ThienNhien.Net – Trung Quốc với tốc độ gia tăng sản xuất công nghiệp nhanh chóng của mình đã được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”. Nay “công xưởng” này đang trở thành “ống khói” lớn nhất thế giới.
Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết, Tổng thư ký Ban Ki-moon sẽ có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc từ ngày 17-5 để bàn về các vấn đề liên quan tới hội nghị biến đổi khí hậu của LHQ trong thời gian tới. Ông Ban Ki-moon sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và một số quan chức cao cấp khác của Trung Quốc nhằm trao đổi các vấn đề liên quan tới Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 9 tới, đồng thời thảo luận về vai trò thiết yếu mà Trung Quốc có thể đóng góp trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu LHQ đến Trung Quốc để thảo luận về biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh vấn đề này ngày càng trở lên nóng bỏng, tác động lớn tới không chỉ môi trường sống mà cả tương lai phát triển trên hành tinh. Theo các số liệu mới nhất, khí hậu Trái đất hiện đang nóng lên với tốc độ chưa từng thấy, tăng trung bình 0,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo tốc độ này, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 4 độ C vào năm 2100, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, như sản lượng nông nghiệp suy giảm, mực nước biển dâng cao, nguồn nước khan hiếm, các loài bị diệt vong, các thiên tai dữ dội xảy ra ngày càng nhiều.
Trong báo cáo đưa ra tháng 3 vừa qua, Ủy ban Liên chính phủ về chống Biến đổi khí hậu (IPCC) cũng cho biết, nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ 21 này sẽ tăng khoảng 0,3 – 4,8 độ C. Sự tăng nhiệt này làm tan băng, dẫn tới mực nước biển sẽ dâng cao khoảng từ 26 – 82cm vào 2100, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực không chỉ tới sản xuất mà còn sức khỏe con người, gây hỗn loạn và xung đột do thúc đẩy làn sóng di cư toàn cầu…
Nguyên nhân chính khiến gia tăng nhiệt độ trên Trái đất là do gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính dioxid carbon (CO2) trên toàn cầu, vốn đã tăng 1,4%, lên mức kỷ lục 31,6 tỷ tấn trong năm 2012. Trong đó, Trung Quốc là nước đứng đầu danh sách các nước thải nhiều khí CO2 ra bầu khí quyển nhất.
Theo báo cáo của tổ chức Dự án Carbon Toàn cầu (GCP), Trung Quốc chiếm tới 70% tổng lượng khí thải tăng thêm trên toàn cầu năm 2012. Cho dù Trung Quốc đã cố gắng phát triển nguồn năng lượng tái sinh và thủy điện với mức tăng 25% trong năm 2012, song mức tăng này không đủ bù đắp cho mức tăng 6,4% lượng than được tiêu thụ trong cùng năm. Năm 2012, nguồn năng lượng được tạo ra từ than chiếm tới 68% nguồn điện năng tiêu thụ của toàn Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là “ống khói” lớn nhất thế giới do sự gia tăng chóng mặt của sản xuất công nghiệp trong vài chục năm qua cũng như gia tăng việc sử dụng các phương tiện thải nhiều khí C02 như ô tô… Thế nhưng, Trung Quốc vẫn bất đồng với nhiều nước công nghiệp phát triển khác trong việc cắt giảm khí thải CO2, cho dù khí thải này đã gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.