ThienNhien.Net – Liên quan đến bức tâm thư của cô giáo trẻ Hoàng Trâm ở thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An gửi bà Thái Thị Hương – Chủ tịch tập đoàn TH True Milk đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, phóng viên Vietnam+ đã có chuyến khảo sát thực tế về những ảnh hưởng của dự án nuôi bò sữa tới người dân khu vực.
Đại diện TH True Milk: Cáo buộc của cô Trâm là không có cơ sở
Tiếp phóng viên Vietnam+, ông Lê Văn Cần, Quản lý hành chính và phụ trách ban đối ngoại của Công ty cổ phần sữa TH True Milk phân bua rằng những cáo buộc trong bức thư của cô giáo Hoàng Trâm như người dân bị ung thư do mùi hôi thối, nước ô nhiễm là “hoàn toàn không có cơ sở.”
Theo ông Cần, hiện nay chưa có bất cứ cơ sở nào chứng minh rằng việc sản xuất của công ty gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Hơn nữa, dự án mới chỉ thực hiện ở Nghĩa Đàn trong khoảng thời gian hơn 3 năm, trong khi đó một số người dân, nhất là người bố của chị Trâm đã lâm bệnh cách đây hơn 3 năm rồi.
“Không thể có điều phi lý rằng một dư án mới làm có thể gây ra ung thư ngay lập tức như vậy. Hơn nữa, vùng đất nơi gần nhà chị Trâm ở trước đây là nơi tập kết thuốc trừ sâu.
Vì vậy, việc quy kết cho TH gây ô nhiễm, dẫn tới căn bệnh ung thư khiến một số người dân phải chết là điều hết sức phi lý,” ông Cần phân tích.
Ông Cần cũng cho rằng việc “mùi hôi thối từ trại bò của TH thi nhau luồn lách vào trong tận màng phổi, khiến hàng ngàn người dân phải mang khẩu trang khi ngủ” là điều rất áp đặt, bởi “người bình thường bịt khẩu trang một lúc còn khó thở, chứ chưa nói gì đến chuyện đeo ngủ suốt cả đêm!?”
“Có thể có lúc nào đó, gặp luồng gió thì có xuất hiện mùi hôi thối chút. Nếu nói phân bò của công ty gây mùi hôi thối đến mức người dân phải đeo khẩu trang để ngủ, thì nước ta có bao nhiêu người dân nuôi trâu, nuôi bò phải chịu cảnh này?” ông Cần phân bua.
Riêng đối với xe chở phân, ông Cần cho biết hiện nay 100% xe của doanh nghiệp là xe chuyên dùng, nên phân không rơi vãi trên đường. Hơn nữa, xe chở phân của công ty chạy trong vùng dự án thường rất chậm, thậm chí có nơi còn chạy 20km/giờ.
Tuy nhiên, ông Cần cũng thừa nhận: “Có thể, một xe nào đó thùng không kín nên có thể có hiện tượng bị bắn ra ngoài, nhưng lượng phân đó là không đáng kể. Những trường hợp này, công ty cũng đã chấn chỉnh, giờ không còn xảy ra…”
Hôi thối đã giảm, nhưng nỗi lo ô nhiễm là hiện thực
Dù bức tâm thư “như một lời kêu cứu” gửi tới người đứng đầu Tập đoàn sữa TH True Milk của cô giáo trẻ Hoàng Trâm đăng tải trên trang Facebook đã được gỡ xuống, xong dư âm của “những bất bình” mà cô giáo 25 tuổi này nói hộ cho người dân khu vực vẫn còn đó những… tiếng buồn.
Thực tế đi đến vùng dự án, quả thật mùi hôi thối từ khu nuôi bò cũng như từ các hố phân trong không khí oi nực nắng chang chang của mùa hè miền Trung, lẫn trong gió Lào là rất khó chịu.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lý Hồng Dương, Trưởng thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Sơn cho biết, bức thư của cô giáo Hoàng Trâm phản ánh là câu chuyện hoàn toàn có thật như những gì mà người dân đã phải gánh chịu, song một số chi tiết mà cô giáo Trâm phản ánh thì chưa được xác định bởi cơ quan chức năng nên chưa đủ căn cứ để cáo buộc doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Dương, dự án trang trại bò sữa có quy mô lớn này đóng trên địa bàn cộng với việc đổ phân gần khu dân cư, dẫn tới tình trạng hôi thối, phát sinh ruồi muỗi là điều có thật.
Tình trạng này cũng đã khiến nhiều bà con trong khu vực rất khó chịu, nhất là các hộ dân sống kề trang trại nuôi bò, hay khu xử lý thức ăn của công ty dù cho đến nay, trang trại đã có khắc phục nên mùi hôi thối và ruồi muỗi đã giảm đi nhiều.
Cụ thể là sau cơn bão số 11, huyện Nghĩa Đàn đã nhận 2 tạ thuốc diệt ruồi, muỗi từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An về giao cho trung tâm y tế địa phương xử lý.
Về việc xe chở chất thải của doanh nghiệp “phóng nhanh, chạy ẩu” làm phân bắn ra đường, ông Dương khẳng định thời gian trước tình trạng này cũng hay diễn ra, nhưng từ sau bức thư cầu cứu gửi bà Chủ tịch tập đoàn TH True Milk của cô giáo Trâm thì việc này đã được “cải thiện.”
Liên quan đến nguồn nước, vị trưởng thôn Đông Lâm cũng khẳng định, trước đây hồ nước ở làng rất sạch, được coi là “long mạch” dẫn nước về các giếng đào của người dân. Nhưng từ ngày xuất hiện những hố đổ phân tươi ở trên đồi, có lúc mưa lũ đến, hố chứa phân lại vỡ, phân trôi xuống khiến nguồn nước ở hồ đã bị ảnh hưởng nhiều, nếu không sớm ngăn chặn thì nguồn nước này sẽ trở thành nơi ô nhiễm, ổ dịch bệnh của bà con nơi đây.
Cần phải di dời 700 hộ dân ra khỏi khu chăn nuôi
Đem những phản ánh từ cả đôi bên doanh nghiệp và cư dân đến gặp cơ quan chức năng, chúng tôi được ông Vi Văn Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, ngay sau khi bức thư của cô giáo Hoàng Trâm lan truyền trên mạng, chính quyền địa phương đã cử đoàn về cơ sở kiểm tra, tổ chức cuộc họp với người dân thôn Đông Lâm, để năm bắt tình hình.
“Phải thừa nhận, dự án nuôi bò sữa TH True Milk là một dự án rất lớn đang trong quá trình triển khai. Ở chừng mực nào đó thì dự án này vẫn chưa đảm bảo các cam kết về môi trường, song chúng tôi cũng ghi nhận rằng bản thân doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng, khắc phục và hoàn thiện.
Ví dụ như xe chở phân của doanh nghiệp trên thực tế cũng rơi vãi ra đường, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, ngay sau khi báo nêu, huyện đã có phương án kiểm tra và xử lý ngay. Do đó, việc xe phóng nhanh vượt ẩu, gây té phân giờ đã được chấn chỉnh,” ông Định chia sẻ.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền địa phương huyện Nghĩa Đàn cũng trăn trở: “Một dự án lớn như TH nói không tác động đến môi trường thì không đúng, nhất định ở một chừng mực nào đó thì cũng có những chỗ chưa đảm bảo. Nhất là vấn đề liên quan đến nguồn nước.
Do đó, vấn đề cần giải quyết khả thi nhất hiện nay là di dân tái định cư ra khỏi khu vực trại bò của doanh nghiệp, bởi dân còn ở đó thì sẽ còn bị ảnh hưởng.”
Theo con số từ TH True Milk, họ đã chi hàng chục tỷ đồng để di dời gần 30 hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe về lâu dài, ông Định cho biết trong thời gian tới sẽ phải di dời khoảng 700 hộ dân ra khỏi khu vực trang trại nuôi bò.
“Di dân tái định cư là hợp lý, song để chuyển hàng trăm hộ dân như vậy là việc làm không hề đơn giản. Dù rằng đã chọn được vị trí di dời dân tới nơi ở mới, nhưng vấn đề khó khăn ở đây là nguồn vốn và phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, điện, nguồn nước và sinh kế cho bà con. Do đó, việc di dân tái định cư này vẫn chưa thể triển khai được,” ông Định nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện TH True Milk cho rằng di dân tái định cư là việc làm rất cần thiết.
“Thực tế, nói về dự án chăn nuôi công nghiệp thì không nên để người dân gần khu chăn nuôi, bởi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến an toàn của đàn gia súc. Phần nữa là không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân,” ông Cần chia sẻ.
Vị đại diện của TH True Mill cho là, để sớm đưa được dân ra khỏi khu chăn nuôi bò, họ cần có sự hợp tác từ các đơn vị có trách nhiệm là tỉnh Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn để cùng thống nhất việc đền bù, di dân tới nơi ở mới một cách thỏa đáng nhất.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi xây dựng dự án cho đến khi dự án được phê duyệt thì vấn đề môi trường, và di dời các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng không được đề cập đến và không được các nhà quy hoạch tính toán đến?
Giờ đây, mọi việc đã trở nên khó khăn hơn nhiều, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt thòi chính là những người dân.
Nếu như không quyết liệt di dời đi cùng với các biện pháp xử lý môi trường triệt để thì rồi lá thư của cô gái Trâm cũng như câu chuyện này lại chìm sâu vào trong lãng quên để rồi, lúc chứng minh ra những tác hại hiển hiện của nó bằng khoa học thì đã quá muộn.