ThienNhien.Net – Theo công bố mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện thành phố có khoảng 3.300 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Điều đáng nói là những nguồn thải đạt tiêu chuẩn môi trường rất thấp.
Trong số 3.300 nguồn thải chỉ có 35% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn môi trường (1.140/3.300). Cụ thể, cho đến nay chỉ mới kiểm soát được các nguồn thải có lưu lượng từ 50m³/ngày trở lên, đạt khoảng 80%; lưu lượng từ 30 – 50m3/ngày, đạt khoảng 50% và lưu lượng từ 10 – 30m3/ngày, đạt khoảng 30%. Điều đáng lo ngại là thống kê trên lại là thống kê chưa toàn diện và đầy đủ về các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước.
Lý giải thực tế trên, rất nhiều nguyên nhân đã được đề ra. Trong đó, đối với vấn đề thống kê chưa toàn diện là do thiếu nguồn nhân lực cũng như kinh phí để thực hiện điều tra thống kê nguồn thải một cách toàn diện và đồng bộ. Cơ sở dữ liệu nguồn thải không thống nhất giữa các cơ quan quản lý, thiếu sự chia sẻ dẫn đến công tác quản lý, cập nhật thông tin chưa hiệu quả. Riêng với việc doanh nghiệp vẫn chưa tự giác chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường là do mức thu phí đối với nước thải còn thấp, chưa thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Mặt khác, mức thu phí nước thải công nghiệp thấp. Đặc biệt, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về nộp phí bảo vệ môi trường chưa đầy đủ nên có nhiều doanh nghiệp không thực hiện kê khai nộp phí, kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phí phải nộp, chậm nộp phí, trốn nộp phí bảo vệ môi trường. Về phía thành phố đầu tư một số nguồn quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo môi trường sản xuất nhưng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cho vay vốn chưa được triển khai một cách hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế trên, để có thể đạt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường năm 2015, tầm nhìn 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp khắc phục. Cụ thể: Tiến hành hỗ trợ bằng cách cho doanh nghiệp vay vốn không lãi suất trong thời gian dài để đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải; điều tra toàn diện và kiểm soát các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở lên; cập nhật dữ liệu nguồn thải lên bản đồ GIS nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thường xuyên các nguồn thải và kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm.
Song song việc thống kê sẽ kiểm soát và đề xuất xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành hoặc xử lý không đạt các Quy chuẩn môi trường. Đối với các nguồn thải có lưu lượng nước thải trên 1.000m3/ngày đêm, bắt buộc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động từ năm 2015, để kết nối vào hệ thống quan trắc, giám sát kịp thời. Đồng thời, thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là có biện pháp xử lý mạnh như niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ sản xuất, buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.