ThienNhien.Net – Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Nghị định này quy định về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ và xuất khẩu, nhập khẩu các hoá chất được Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (gọi tắt là Công ước Cấm vũ khí hóa học) kiểm soát tại lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Nghị định, hoá chất độc là bất kỳ hoá chất nào thông qua tác động hoá học của nó lên quá trình sống của con người hoặc động vật có thể gây tử vong, tê liệt tạm thời hoặc lâu dài gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, gây huỷ hoại môi trường, môi sinh.
Hoá chất Bảng là hoá chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học và được phân loại thành hóa chất Bảng 1, Bảng 2, Bảng 3 theo mức độ độc tính giảm dần. Trong đó, hóa chất Bảng 1 gồm một số hợp chất O-Alkyl, một số khí gây bỏng chứa Lưu huỳnh…; Bảng 2 gồm một số hóa chất độc Amiton, PFIB, Arsenic trichloride…; Hóa chất Bảng 3 gồm chất độc Phosgene (Carbonyl dichloride), Cyanogen chloride…
Các hành vi bị cấm
Nghị định cũng quy định cấm các hành vi phát triển, sản xuất, sở hữu, tàng trữ và sử dụng vũ khí hoá học; xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí hoá học trực tiếp hay gián tiếp với mọi tổ chức, cá nhân; tham gia vào bất cứ hoạt động chuẩn bị quân sự nào có sử dụng vũ khí hoá học; hỗ trợ, khuyến khích hoặc xúi giục mọi tổ chức, cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; sử dụng chất chống bạo loạn như là phương tiện chiến tranh.
Cấm hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, trừ trường hợp được phép của cơ quan có thẩm quyền cho những mục đích đặc biệt như nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học; tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia thứ ba.
Nghị định cũng quy định cấm hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, trừ trường hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; cấm xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước.
Cấm hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 3, trừ trường hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; cấm xuất khẩu hóa chất Bảng 3 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học mà không có giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia này; cấm sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF, trừ trường hợp cho các mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm.
Bộ Công Thương quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất thuộc diện kiểm soát
Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học. Bộ Công Thương sẽ cấp, đình chỉ, thu hồi theo thẩm quyền Giấy phép sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; quản lý việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động này tại các cơ sở hóa chất thuộc phạm vi quản lý của mình…