ThienNhien.net – Trong khi các quan chức tham nhũng không muốn công khai các khoản thu chi từ khai thác tài nguyên thì tiếng nói ủng hộ từ nội bộ ngành công nghiệp khai khoáng đang thúc đẩy cơ hội minh bạch hóa trong ngành.
Ramesh Agrawal là chủ một tiệm cà phê internet tại một trấn nhỏ miền trung Ấn Độ. Ông vốn không có ý định trở thành một nhà vận động minh bạch ngành khai khoáng. Tuy nhiên, bang Chhattisgarh quê hương ông lại sở hữu đến 1/5 trữ lượng than của quốc gia, tình trạng mất đất và ô nhiễm do khai thác than diễn ra trầm trọng trong khi lợi nhuận không được chia sẻ cho cộng đồng địa phương. Hơn nữa, mọi yêu cầu cung cấp thông tin từ phía người dân luôn rơi vào thinh lặng.
Trong số 29 quốc gia đang phát triển được Quỹ Tiền tệ Quốc tế xếp vào nhóm quốc gia giàu tài nguyên, thì 16 nước có một nửa dân số có thu nhập dưới 2 USD/ngày. Những nước nghèo nhất trong số đó như Liberia, Congo và Chad lại xếp hạng cao về nạn tham nhũng và các quan chức tham nhũng không muốn công khai thông tin về các khoản thu chi từ khai thác tài nguyên. Chính vì thế,ở những quốc gia này, cơ chế chính trị được coi là một rào cản lớn với minh bạch ngành khai khoáng.
Bản thân ngành công nghiệp khai khoáng cũng tồn tại những rào cản nội tại. Câu chuyện xảy ra ở Hoa Kỳ mới đây có thể coi là một dẫn chứng điển hình: Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) mới bị Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) đâm đơn kiện khi nỗ lực ban hành luật mới về minh bạch. Theo những người phản đối, việc công khai chi phí trong ngành năng lượng theo Mục 1504 Đạo luật Dodd-Frank 2010 sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và tạo lợi thế cho các doanh nghiệp không phải tuân thủ các quy định tương tự.
Tuy nhiên cũng có nhiều động thái tích cực đánh dấu thắng lợi của các nhóm vận động minh bạch ngành khai khoáng vốn từ lâu vẫn khẳng định rằng công khai các khoản thu chi sẽ giúp giảm tham nhũng và nâng cao trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, theo ông Daniel Kaufmann – chủ tịch Viện Giám sát Nguồn thu, việc công khai thu chi ở cấp độ dự án giúp dễ dàng phát hiện các đối tượng trốn thuế nhờ đối chiếu dữ liệu báo cáo. Hơn nữa, các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp này cũng có lợi khi họ có thể dựa vào nguồn thông tin được công khai để lựa chọn khu vực đầu tư an toàn.
Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã thông qua chỉ thị yêu cầu các công ty khai khoáng báo cáo các khoản nộp ngân sách của từng dự án đầu tư. Chỉ thị có hiệu lực từ tháng 7/2015 này cũng tương tự như một số chính sách của Na Uy, Canada và Mỹ.
Định hướng minh bạch cũng nhận được nhiều sự ủng hộ trong nội bộ ngành khai khoáng. Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Statoi (Na Uy) đã trở thành tập đoàn tiên phong tạo ra sự thay đổi khi công khai vận động cho yêu cầu công bố nguồn thu đối với tất cả các công ty khai khoáng.
Tháng trước Tập đoàn dầu khí Đa quốc gia Tullow cũng tạo tiền lệ trong ngành công nghiệp dầu mỏ khi tình nguyện công bố các khoản nộp ngân sách cho các quốc gia sở tại. Tập đoàn dầu mỏ Statoi cũng cam kết hành động tương tự trong năm tài chính sắp tới.
Thậm chí, cả một số tập đoàn thành viên quan trọng của API trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm cả tập đoàn Shell và Chevron, cũng đã ủng hộ việc công khai các khoản thu chi theo EITI.
Năm nay, Hiệp hội Khai mỏ Canada cũng đã hợp tác với Viện Giám sát Nguồn thu và các tổ chức vận động minh bạch khác để lập dự thảo yêu cầu công bố tất cả các khoản đóng góp ngân sách trên 100.000 đô-la Canada.
Và những tiếng nói của các nhà vận động như Agrawal sẽ không thể chỉ bay vào hư không nữa. Cách duy nhất để khiến những tiếng nói ấy im lặng là các công ty khai khoáng phải công bố nguồn thu và khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước.