ThienNhien.Net – Về lý thuyết, cho thấy than sinh học có tiềm năng mang lại một nguồn thu to lớn có thể tới cả tỷ USD.
Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, nhiều dự án ODA liên quan đến nông nghiệp được thiết kế theo kiểu cũ, đa số tập trung vào mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, nông sản ngày càng khó tiêu thụ, việc nâng cao năng suất, sản lượng thường xuất phát từ tăng đầu vào của vật tư, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Do vậy, xu hướng thiết kế các dự án mới nên tập trung vào việc giảm giá thành SX, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, chuyển giao trực tiếp các công nghệ SX nông nghiệp sạch, qua đó giúp tăng thu nhập và giảm chi phí tìm kiếm thị trường đầu ra.
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp – LCASP No. 2283-VIE(SF) là một trong những dự án vốn vay đầu tiên của Việt Nam đề cập đến vấn đề xử lý sinh khối, phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm chế biến phân bón hữu cơ, tạo nhiên liệu sinh học và giới thiệu các công nghệ SXNN sạch, giảm phát thải.
Dự án hiện đang được các nhà tài trợ quan tâm theo dõi và sẵn sàng tài trợ mở rộng nếu các hoạt động thí điểm của dự án thành công.
Khái niệm và tác dụng của than sinh học (biochar)
Than sinh học là một loại than dạng rắn giàu các bon, thu được trong quá trình nhiệt phân hoặc khí hoá nhiên liệu sinh khối trong trường hợp không có (hoặc nghèo) ô xi, ở nhiệt độ dưới 700 độ C.
Than sinh học có thể được SX từ nhiều nguồn nguyên liệu sinh khối khác nhau như bã mía, vỏ trấu, lõi ngô, mùn cưa, phoi bào, rơm rạ, vỏ cà phê… được nén thành bất kỳ hình dạng và kích cỡ nào. than sinh học thường thấy ở dạng viên, ngoài ra nó có thể được vận chuyển được nếu nén dưới dạng bột và bánh.
than sinh học được nhiều nhà khoa học trên thế giới ví như là “vàng đen” cho ngành nông nghiệp. than sinh học có cấu tạo dạng cấu trúc rỗng, nhiều lỗ và có khả năng hấp phụ các chất hữu cơ và phân bón hóa học trên bề mặt, giữ các chất dinh dưỡng trên mặt đất, chống rửa trôi.
Ngoài ra, than sinh học còn là môi trường cho các vi sinh vật có ích trong đất cộng sinh, phát triển để phân giải nhanh các chất hữu cơ thành khoáng chất giúp cây hấp thụ. Sử dụng than sinh học để bón vào đất không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tăng cường trao đổi cation, khả năng giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất, tăng sức SX của đất trồng, giảm lượng phân bón hóa học.
Hơn nữa, than sinh học giúp đất giữ lại các chất dinh dưỡng và nước không bị rửa trôi, có thể giúp giảm chi phí cho tưới tiêu, phân bón và tăng sức SX của đất trồng trong thời gian dài; đồng thời chống rửa trôi phân bón gây ô nhiễm nguồn nước. than sinh học là một phụ gia tạo độ phì nhiêu cho đất lâu dài mà không cần phải bổ sung hàng năm.
Ngoài ra, sử dụng than sinh học giúp cô lập các bon, chuyển các bon từ không khí xuống đất (than sinh học có thể tồn tại vài chục năm trong đất) nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, chống biến đổi khí hậu.
Theo chuyên gia của tổ chức NEXUS, việc sử dụng than sinh học thường xuyên và hiệu quả có thể được đăng ký bán tín chỉ các bon tại một số thị trường tín chỉ các bon trên thế giới. Theo kết quả tính toán của Sebastian và cộng sự cho thấy sử dụng than sinh học sẽ giảm được 13 – 22% lượng phát thải CO2 vào khí quyển.
Quá trình SX than sinh học sẽ tạo ra khí ga (khí CO) giúp chạy máy phát điện, đun nấu, sấy lúa…
Tóm lại, sử dụng than sinh học sẽ đem lại các tác dụng sau: (i) Tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn từ phế phụ phẩm nông nghiệp làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp giảm thiểu phân bón hóa học gây ô nhiễm môi trường; (ii) Chống rửa trôi phân bón từ trồng trọt gây ô nhiễm nguồn nước, than sinh học còn được sử dụng để xử lý ô nhiễm nguồn nước thải từ các hầm biogas; (iii) Bán tín chỉ các bon giúp tăng thu nhập cho đất nước; (iv) Tạo khí ga giúp chạy máy phát điện, sấy lúa, đun nấu…
Tiềm năng than sinh học của Việt Nam
Ngành nông nghiệp Việt Nam có một lợi thế to lớn, với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hai vùng đồng bằng phì nhiêu là ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, là những vùng trồng lúa được xếp vào loại tốt nhất của thế giới; có vùng đất đồi núi bao la có thể phát triển cây công nghiệp và rừng; có bờ biển dài tới 3.200 km, cùng với diện tích mặt nước lớn khác có thể phát triển thuỷ sản.
Theo số liệu năm 2011, mỗi năm Việt Nam SX khoảng 42 triệu tấn lúa, 4,6 triệu tấn ngô, 10 triệu tấn sắn, 1,1 triệu tấn cà phê… Như vậy, bình quân mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 60 triệu tấn phế phụ phẩm từ những cây trồng chủ lực này.
Các dự án nên được thiết kế tiếp cận theo chuỗi giá trị, ví dụ đầu tư lò đốt than sinh học cho nhóm hộ nông dân trồng lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn hoặc mô hình lúa cải tiến để đảm bảo sử dụng tối đa công suất của lò đốt, tận dụng lao động nông thôn để SX phân bón hữu cơ, kết hợp với mô hình biogas để lấy chất cặn thải tại chỗ, sử dụng phân bón hữu cơ bón ruộng tại địa bàn, tránh vận chuyển xa tốn kém chi phí… |
Về lý thuyết, cho thấy than sinh học có tiềm năng mang lại một nguồn thu to lớn có thể tới cả tỷ USD bao gồm:
-Bán than sinh học: Khoảng 60 triệu tấn phế phụ phẩm sẽ cho khoảng 20 triệu tấn than sinh học (trung bình 3 kg vỏ trấu SX được 1 kg than sinh học). Giá bán than sinh học dao động từ 96 – 123 USD/tấn. Tổng cộng giá trị bán than sinh học ước tính là 20 triệu tấn x 96 USD = 1,92 tỷ USD;
-Bán tín chỉ các bon: Nghiên cứu của Galinato et al. cho rằng mỗi tấn than sinh học được sử dụng bón cho đất chứa 0,61 – 0,80 tấn các bon, tương đương với 2.2 – 2.93 tấn CO2 được cô lập. Giá trị của một tấn khí CO2 được cô lập dao động theo thị trường, năm 2012 là 2.93 USD/tấn than sinh học. Tổng cộng giá trị bán phát thải ước tính là 20 triệu tấn x 2,2 tấn CO2 x 2,93 USD = 128,92 triệu USD;
-Giá trị năng lượng (khí ga): Giá năng lượng do 90 kg vỏ trấu sản sinh ra tương đương với bình ga 12 kg, có giá thành 450.000 Việt NamĐ tại thời điểm năm 2012, do vậy 1 kg vỏ trấu có năng lượng sản sinh ra tương đương 5.000 Việt NamĐ (0,24 USD). Tổng cộng giá trị năng lượng từ 60 triệu tấn phế phụ phẩm sẽ là 60 triệu tấn x 240 USD/tấn = 14,4 tỷ USD;
-Cải thiện môi trường và xã hội: Ngoài ra, sử dụng than sinh học sẽ đem lại nhiều giá trị về môi trường và xã hội khác như giảm ô nhiễm nguồn nước do phân bón bị rửa trôi, giảm sử dụng phân bón hóa học, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, giảm ô nhiễm môi trường do phế phụ phẩm nông nghiệp gây ra…
Khả năng xây dựng các dự án ODA về than sinh học
Hiện tại, nhiều nhà tài trợ đang rất quan tâm về thiết kế và xây dựng các dự án có liên quan đến chuỗi SXNN bao gồm khí sinh học, than sinh học kết hợp với mô hình nhóm hộ nông dân trong cánh đồng mẫu lớn, lúa cải tiến… Các nhà tài trợ sau đã và đang quan tâm tài trợ các dự án trong lĩnh vực này là:
ADB: Tài trợ Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (84 triệu USD); dự án Nâng cao năng lực sử dụng sinh khối nông nghiệp cho năng lượng sinh học và an ninh lương thực RETA 7833 (4 triệu USD không hoàn lại cho 3 nước Đông Dương);
NDF: Tài trợ không hoàn lại 4,1 triệu Euro cho Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp nhằm thí điểm các nghiên cứu ứng dụng, thuê tư vấn thiết kế cho phần mở rộng của dự án;
Các dự án đang được quan tâm tài trợ:
KEXIM Bank đang mong muốn tài trợ 70 triệu USD vốn vay sau khi các hoạt động thí điểm thiết kế cho phần mở rộng của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp thành công. Khoản vay của KEXIM Bank có lãi suất thấp hơn vốn ADF của ADB nhưng có một số điều kiện ràng buộc về tư vấn và mua sắm nên cần quan tâm đàm phán kỹ lưỡng;
ADB mong muốn được bố trí một khoản vay trị giá 70 triệu USD từ nguồn ADF vùng cho lĩnh vực năng lượng sinh học và an ninh lương thực vào năm 2015 (trên cơ sở thiết kế của dự án RETA 7833). Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT chưa đồng ý đưa khoản vay này vào danh mục vốn vay trong năm 2015.
Việc thiết kế các dự án ODA trong lĩnh vực nông nghiệp cần quan tâm đến một số yếu tố sau:
-Chuyển giao KHCN nông nghiệp phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Các đề tài nghiên cứu thí điểm quy mô nhỏ cho từng địa bàn cụ thể nên được xem xét thực hiện trước khi thực hiện các hoạt động đầu tư quy mô lớn để tránh việc copy ồ ạt các nghiên cứu đã thành công ở một vùng nhưng chưa thực sự được chứng minh là phù hợp ở vùng khác;
-Các viện, trường và các đơn vị nghiên cứu sau khi được chuyển đổi sang tự chủ về tài chính theo Nghị định 115 CP nên được ưu tiên tham gia vào thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, các mô hình khuyến nông của dự án nhằm chuyển giao trực tiếp KHCN nông nghiệp xuống nông dân (việc này phù hợp với trạng thái của Việt Nam đang ở giai đoạn hai của phát triển nông nghiệp).
Nguyễn Thế Hinh – Giám đốc Ban quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp