ThienNhien.Net – Theo quy hoạch đến năm 2020, khu vực phía Nam sẽ có 339 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 20.263 ha, chiếm 20,1% số CCN và 28,8% diện tích CCN cả nước; nhiều địa phương có số lượng quy hoạch CCN lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, An Giang… Trên thực tế, có xu hướng các tỉnh, thành khu vực này “chạy đua” mở CCN nhưng dàn trải, thiếu hiệu quả.
Số lượng nhiều, hiệu quả ít!
Tại TP.HCM, dù đã có 27 CCN nhưng chỉ thu hút được 8 nhà đầu tư (NĐT) vào hạ tầng, 13 CCN khác dù đã có doanh nghiệp (DN) thuê đất nhưng chưa có NĐT hạ tầng, chưa có Trung tâm phát triển CCN… Còn tại Đồng Nai, đến nay mới có 2 CCN hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong số 27 CCN được quy hoạch là CCN gốm Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) và CCN Vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom); 6 CCN khác đang được NĐT giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ còn rất chậm.
Thống kê từ các tỉnh thành khu vực phía Nam cho thấy, trong số 202 CCN được thành lập thì đến đầu năm 2014, mới có 108 CCN hoạt động với diện tích hơn 3.000 ha. Lý do khó thu hút đầu tư vào CCN được “điểm mặt”: khó khăn về tài chính, NĐT hạ tầng triển khai chậm, suất đầu tư cao, nhiều vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng…
Ông Châu Minh Nguyện – Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai – cho rằng vì không có tiêu chí riêng về quy chuẩn thiết kế, quy hoạch cho CCN khiến chi phí đầu tư cao với mức 4,8 – 5 tỷ đồng/ha, trong khi đầu tư KCN chỉ tốn 3,5 – 4 tỷ đồng/ha. “Hiện nay chúng tôi đang phải quy hoạch CCN theo tiêu chí quy hoạch KCN. Theo tiêu chí này, tỷ lệ sử dụng đất chỉ chiếm tối đa 60% diện tích trong khi mỗi CCN có quy mô 50 – 75 ha thì rõ ràng đầu tư hạ tầng cho 1ha CCN cao hơn đầu tư vào KCN” – ông Nguyện phân tích. Với mức đầu tư như vậy, mục tiêu quy hoạch CCN hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất tập trung, đảm bảo môi trường… thì khó thể đáp ứng được.
Còn ông Lê Văn Khoa – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – nhìn nhận rằng thủ tục hành chính cho DN đầu tư vào CCN không khác đầu tư ngoài CCN trong khi cơ chế quản lý KCN cho phép tập trung thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa đã tạo sự so sánh bất lợi khi lựa chọn địa điểm đầu tư và khó thu hút đầu tư vào CCN. Với đặc thù của TP.HCM là giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng cao hơn các địa phương khác, nên giá cho thuê đất tại các CCN cũng cao hơn, khó thu hút đầu tư.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Để bù đắp cho yếu điểm giá thuê cao tại các CCN, theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, địa phương này sẽ khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý và chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời hình thành chuỗi hoặc một phần chuỗi sản xuất làm giảm chi phí đầu tư xử lý môi trường tại các CCN do tính chất nước thải của các DN chuyên ngành tương tự nhau. “TP.HCM đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép giao Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng quản lý CCN trên địa bàn” – một lãnh đạo sở này cho biết.
Còn tại Đồng Nai, theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Chính phủ, tỉnh này được phê duyệt 1.799 ha đất CCN nhưng khi rà soát chỉ giữ lại 27 CCN với diện tích gần 1.450 ha. Trước thực tế thu hút đầu tư CCN còn gặp nhiều khó khăn, bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lại và sẽ loại bỏ khỏi quy hoạch các CCN chưa có NĐT hoặc đầu tư không hiệu quả, chỉ giữ lại các CCN dễ giải phóng mặt bằng, giao thông thuận tiện, không tác động xấu đến môi trường và có thể thu hút DN vào.
Theo Chỉ thị số 07/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020 sẽ tạm dừng để chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo chỉ đạo của Chính phủ gần đây, các ngành chức năng tiếp tục tổng hợp, thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt đợt 2 với các tỉnh đã hoàn thiện báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, thành lập và hoạt động của các CCN. Sau khi được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thỏa thuận theo quy định.