ThienNhien.Net – Nhiều năm qua, nhiều người đều nghĩ các mặt hàng tôm cua cá bán ngoài chợ là hàng do người nông dân ở các vùng quê nuôi trồng, khai thác được và vẫn đang phải bán rẻ như cho. Thế nhưng sự thật ở các chợ bây giờ lại toàn là thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc, vì sao?
Ếch – cua – cá – mực … đều là “đồ ngoại”
Lâu nay, người tiêu dùng ở khắp các tỉnh khi đi chợ đều gặp cảnh ếch được bày bán rất nhiều và rẻ. Vào các nhà hàng, chỉ cần gọi đĩa thịt ếch thì khoảng 10 phút sau là có ngay. Ngày trước thịt ếch còn được coi là đặc sản, bây giờ chẳng ai nghĩ là của hiếm nữa. Nhiều người cũng nghĩ, đây là sản phẩm của các trang trại, chủ hộ gây nuôi được. Thế nhưng, theo tìm hiểu thực tế tại miền Bắc thì hầu như các cơ sở nuôi ếch đều rất ít và cũng không đủ để chở ùn ùn về các chợ đầu mối. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, một số tiểu thương tiết lộ, ếch và mực, cá trắm, cá quả… đều là hàng được nhập từ Trung Quốc. Nguồn thủy sản trong nước rất ít, một năm chỉ khai thác rộ vào đợt cuối năm. Do đó phải nhập hàng từ Trung Quốc về mới đủ cung ứng cho nhu cầu và nguồn thủy sản ở Trung Quốc lại rất nhiều.
Còn nhớ năm 2013, các vụ nhập lậu thủy sản rộ lên chủ yếu là cá tầm lậu, cá hồi lậu… vì dù sao đó cũng là những mặt hàng hiếm và có giá cao. Còn như hiện nay, không chỉ cá tầm, cá hồi mà ngay cả ếch, cua, mực và các loại cá trắm, cá mè… đều là hàng nhập từ Trung Quốc. Tất nhiên đó là hàng lậu, bởi cho tới nay, Bộ NN-PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát và kiểm dịch các sản phẩm nuôi chưa cho phép doanh nghiệp nào được nhập các loại thủy sản kể trên vào nội địa.
Mới đây nhất, trưa 17-4, tổ công tác Đội CSGT số 4 Công an Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Khoái đã phát hiện ô tô tải 14M-4547 chở nhiều thùng xốp đựng cá trắm. Tại hiện trường, các thùng cá trắm đã bốc mùi, thậm chí một số con đang trong quá trình phân hủy. Sau đó, Đội QLTT quận Hai Bà Trưng – Hà Nội đã phối hợp kiểm tra, xác định số lượng và nguồn gốc xuất số cá trắm trên. Bước đầu tài xế Nguyễn Văn Tuyên (26 tuổi, ở Quảng Ninh) cho biết, những thùng hàng trên là cá trắm được chủ hàng thuê chở từ Quảng Ninh về Hà Nội.
Trước đó, sáng sớm 15-4, Đội Cảnh sát môi trường – Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bất ngờ tiến hành kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại chợ Long Biên. Tại Kho G2, cơ quan chức năng bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, ở Hưng Yên) là nhân viên đang đổ hàng chục kílôgam mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp để bảo quản. Tại kho, lực lượng chức năng phát hiện có 750kg mực ống đã bốc mùi đang được lưu trữ, trong đó 150kg đang được ngâm tẩm hóa chất bảo quản. Vũ Mạnh Cầm cho hay, hiện đang làm thuê cho bà Ngô Thị Nụ (46 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng). Cầm cho biết, để “phù phép” mực hỏng thành mực tươi, hòa 300ml ôxy già loại công nghiệp vào thùng phuy nước rồi đổ mực vào ngâm khoảng 30 phút, dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ Long Biên bán.
Theo thông tin điều tra từ cơ quan chức năng, mực ống đông lạnh thường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường biển Hải Phòng hoặc Quảng Ninh về Hà Nội và có thể đưa sâu vào tận miền Nam tiêu thụ. Mực mặc dù đã rã đông nhũn, nhớt, bốc mùi thối… nhưng sau khi bị “phù phép” lại giòn, trắng và sạch mùi trở lại. Lý do hàng được nhập lậu vì bên Trung Quốc giá chỉ rẻ bằng một nửa so với thủy sản nuôi trong nước.
Ai kiểm soát thủy sản “bẩn” nhập lậu?
Theo khảo sát của chúng tôi, những vụ được cơ quan chức năng bắt giữ chỉ là phần nhỏ so với thực tế nguồn hàng thủy sản không rõ nguồn gốc bày bán ở khắp các chợ trong Nam ngoài Bắc. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại để xảy ra tình trạng này?
Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội tiết lộ, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thủy hải sản được tập kết về Hà Nội. Trong số đó, chỉ 40% thủy sản được nuôi ngay trên địa bàn, còn lại tương đương 600 tấn là nguồn đưa từ các tỉnh lân cận về. Nguồn đưa từ các tỉnh về bao gồm cả nguồn được nuôi và có nhập lậu hay không thì cơ quan kiểm soát ở các chợ cũng không theo dõi được. Và khối lượng thủy sản khổng lồ đó cũng không chỉ tiêu thụ cho riêng Hà Nội mà còn được trung chuyển đi nhiều khu vực. Về việc kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng 600 tấn thủy, hải sản đưa ở nơi khác về, ông Hoàng Tiến Minh nhìn nhận, lực lượng chức năng mới kiểm soát được lượng thủy, hải sản đưa vào chợ đầu mối Yên Sở, còn lại lượng hàng đưa thẳng về các chợ dân sinh thì chưa kiểm soát được vì lực lượng mỏng, không có chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào.
Liên quan đến tình trạng tư thương nhập khẩu, vận chuyển thủy sản không rõ nguồn gốc và sử dụng cả hóa chất để bảo quản thực phẩm bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, TS Nguyễn Văn Quang, Viện Hóa công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, việc sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm ôi thối thành tươi ngon là rất nguy hiểm và thực trạng này có thật.
Thủy sản nhập lậu và thủy sản “bẩn” đều là những vấn đề nóng hiện nay, trong khi nhu cầu tiêu thụ rất lớn và người dân đều tin tưởng rằng chúng khá an toàn về chất lượng vệ sinh thực phẩm. Mỗi khi có dịch heo tai xanh, cúm gia cầm thì xu thế tiêu dùng chung là người dân lại chuyển sang sử dụng thủy sản cho rẻ và an toàn. Tuy nhiên hiện nay thủy sản cũng đến lượt báo động.
Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp về kiểm soát buôn bán và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát thủy sản nhập lậu và thủy sản “bẩn” vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi bản thân người tiêu dùng không đủ năng lực để nhận biết nguồn thực phẩm nào là không an toàn. Vì thế, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ sức khỏe người dân.