ThienNhien.Net – Người dân tỉnh Bình Thuận đang đặc biệt quan tâm đến việc UBND tỉnh này vừa gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan (giai đoạn đến năm 2020) 3 dự án chế biến sâu có công suất 60.000-200.000 tấn/năm, tại huyện Bắc Bình và Hàm Tân.
Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng lớn về quặng titan với khoảng 599 triệu tấn (chiếm 92% tổng trữ lượng của Việt Nam). Quy hoạch tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan là chủ trương đúng của Chính phủ nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các dự án titan đã bộc lộ không ít yếu kém, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Còn nhớ vụ vỡ hồ chứa bùn thải titan tại Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam hồi tháng 11-2013 gây ô nhiễm môi trường cả khu vực. Hiểm họa của hoạt động khai thác titan còn tác động rất rõ khi những đồi cát ven biển các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Tân trước đây phủ xanh thảm thực vật và những hàng dương thì nay trơ trụi, chỉ còn hố quặng sâu hun hút.
“Tiểu sa mạc” của miền Trung nay lại càng oi bức, khô cằn, hiu quạnh khi những cơn gió mang theo bụi đỏ từ các dự án khai thác titan phủ đầy từng đường thôn, ngõ xóm, gây bệnh tật, làm xáo trộn cuộc sống của cư dân địa phương.
Không chỉ riêng Bình Thuận, rất nhiều tỉnh ở Nam Trung Bộ cũng rơi vào tình trạng tương tự vì khai thác titan ồ ạt.
Thực tế cho thấy ở những địa phương có các dự án khai thác titan, việc lập quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án chưa lường hết các tác động về mặt xã hội và môi trường. Thậm chí, dù tài nguyên khoáng sản là sở hữu của toàn dân do nhà nước quản lý nhưng lợi ích từ các dự án khai thác titan trong thời gian qua chủ yếu thuộc về các công ty, cá nhân thực hiện. Tài nguyên của đất nước bị sử dụng lãng phí, ngân sách thu được ít, người dân địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Titan được xem là báu vật do thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nước ta. Nhưng với hiện trạng khai thác và chế biến titan thời gian qua có thể đẩy ngành công nghiệp khai khoáng titan rơi vào “lời nguyền tài nguyên” hay “cái bẫy tài nguyên” mà nhiều quốc gia ở châu Phi đã mắc phải. Đó là thực trạng các nền kinh tế giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng phát triển chậm hơn những nền kinh tế không có tài nguyên thiên nhiên do mất cân đối trong cơ cấu, quản trị yếu kém, lạc hậu về khoa học công nghệ.
Hơn bao giờ hết, các tỉnh miền Trung – nơi có nguồn khoáng sản titan cực lớn – cần thắt chặt quản lý, minh bạch trong khai thác, chế biến quặng sa khoáng quý giá này, nếu không muốn rơi vào vòng xoáy thảm hại của “lời nguyền titan”.