ThienNhien.Net – Nhờ phát triển kinh tế vườn, rừng, hiện số hộ có mức sống khá trở lên ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chiếm 28%, số hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 11%.
Đến thời điểm này, huyện Nam Đông đã có các xã Hương Giang và Hương Hòa đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và đang phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Huyện Nam Đông có tổng diện tích tự nhiên 64.777 ha, trong đó đất lâm nghiệp 54.657,46 ha, chiếm 84,37% diện tích tự nhiên. Trong khi phần lớn diện tích rừng tự nhiên đều do các nông, lâm trường và ban quản lý rừng đặc dụng Bạch Mã quản lý, chỉ còn lại khoảng gần 7.000 ha rừng và đất rừng tự nhiên thuộc địa phương quản lý.
Thực hiện chủ trương giao rừng tự nhiên cho nhân dân quản lý, sử dụng ổn định lâu dài, huyện Nam Đông đã giao toàn bộ 6.756 ha rừng tự nhiên cho 31 cộng đồng, 26 nhóm hộ và 81 hộ gia đình quản lý, sử dụng. Tuy có đến 70% trong số diện tích rừng nói trên là rừng nghèo kiệt, lại ở những vùng hiểm trở, xa dân cư, nhưng nhờ thực hiện các cơ chế, chính sách hợp lý, Nam Đông đã phát triển vốn rừng theo hướng bền vững, tăng độ che phủ rừng, khả năng phòng hộ đầu nguồn và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng trên địa bàn.
Hiện nay, mỗi ha vườn kinh tế ở huyện cho thu nhập đạt từ 27 – 29 triệu đồng, riêng cây cao su đạt 45 – 50 triệu đồng/ha, rừng kinh tế đạt từ 40 – 45 triệu đồng/ha. Đối với cây cao su, từ 0,5 ha đưa vào trồng thử ban đầu, đến nay toàn huyện Nam Đông đã trồng được gần 3.500 ha cây cao su, trong đó có khoảng 850 ha diện tích cây trồng đã cho mủ. Sản lượng thu hoạch hiện tại đạt khoảng 1.500 tấn, thu 45 tỷ đồng/năm.
Nhiều hộ trồng cao su ở Nam Đông đã xem đây là nguồn “vàng trắng” cho thu nhập cao, cá biệt có hộ thu từ 20 đến 30 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, kinh tế vườn nhà, vườn rừng đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và nâng cao đời sống, thoát nghèo cho bà con đồng bào các dân tộc, với tổng giá trị thu nhập từ vườn nhà đạt hơn 10 tỷ đồng. Xã Hương Giang đã nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 21 triệu đồng/người/năm.
Song song với đó, để rừng phát triển bền vững, Nam Đông đã xây dựng đề án làm giàu và phát triển rừng, giai đoạn 2014-2020 và định hướng những năm tiếp theo. Theo đó, huyện sẽ làm giàu rừng với diện tích khoảng 1.200 ha với phương thức trồng bổ sung cây bản địa có giá trị kinh tế cao với mật độ 400 – 500 cây/ha; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên với diện tích khoảng 4.000 ha; trồng mây các loại với diện tích khoảng 1.200 ha, mật độ khoảng 300-400 cây/ha; trồng lá nón với diện tích khoảng 100 ha, mật độ 2.000 cây/ha; xây dựng một số mô hình cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài. Nguồn kinh phí thực hiện đề án khoảng 12,5 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác.