ThienNhien.Net – Đến nay cả nước có 543.963 doanh nghiệp, trong đó có gần 97% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs).
Không chỉ đóng góp hơn 40% vào GDP cả nước, SMEs còn tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho phần lớn lao động chưa qua đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, phần lớn các SMEs chưa quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Hầu hết các doanh nghiệp SMEs vẫn sử dụng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và nhận thức cho các SMEs về bảo vệ môi trường, từ tháng 11/2012 đến tháng 12/2013, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Môi trường Stockholm Thụy Ðiển, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam triển khai Dự án Kế hoạch hành động xanh cho các SMEs.
Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các SMEs trong việc lập và thực hiện Kế hoạch xanh; tổ chức các Chương trình hành động xanh; hình thành mạng lưới SMEs ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Dự án đã tập huấn cho SMEs tham gia các hoạt động xanh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Ðắk Lắk, Bình Dương, Ðồng Nai, Vũng Tàu), trên các lĩnh vực xây dựng, nông sản, khoáng sản và khai thác mỏ, hóa chất, dược phẩm, nhựa, dịch vụ, ngân hàng, viễn thông, dệt may, da giầy, tái chế chất thải.
Tại khóa tập huấn, các chuyên gia của Dự án đã cung cấp các công cụ cần thiết như kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, kiểm toán năng lượng, sản xuất sạch hơn và hạch toán môi trường, giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về cách thức tiếp cận sản xuất xanh, kinh tế xanh phục vụ cho lập kế hoạch hành động xanh.
Thông qua các hoạt động xanh, các doanh nghiệp không chỉ tạo thêm giá trị từ các sản phẩm và dịch vụ mà còn gia tăng lượng khách hàng khi thâm nhập vào các thị trường mới.
Ngoài ra, các hoạt động này còn giúp giảm chi phí sản xuất, sử dụng nguyên liệu hiệu quả, giảm thời gian sản xuất, tăng năng suất, đồng thời giảm các tác động ô nhiễm vào môi trường như giảm lượng chất thải hay có thể tái chế chất thải.
Sau khi lập kế hoạch xanh, các doanh nghiệp cần tổ chức các Chương trình hành động xanh thông qua các phong trào khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm xanh, bền vững; có thể xem xét khía cạnh môi trường vào công tác thiết kế và phát triển sản phẩm, nhằm cải thiện chất lượng qua toàn bộ vòng đời của sản phẩm.
Doanh nghiệp cũng cần có chính sách tiếp thị bền vững các sản phẩm xanh để có được những thị trường mới.
Việc kết nối mạng lưới, chia sẻ thông tin trong các doanh nghiệp cũng rất quan trọng, qua cách thức này các doanh nghiệp có thể lựa chọn được giải pháp an toàn hơn trong kinh doanh, giảm thiểu được những rủi ro và thiệt hại; xây dựng và mở rộng thị trường của doanh nghiệp với quốc tế, đồng thời tìm ra những kinh nghiệm tốt nhất từ việc quản lý môi trường có hiệu quả của các doanh nghiệp trong mạng lưới.