ThienNhien.Net – Xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện có 1.049 hộ sản xuất bánh đa nem truyền thống (chiếm 46,4% tổng số hộ dân) và đàn lợn 11.500 con, song chỉ có khoảng 24% số hộ xử lý nước thải bằng bioga, còn lại hầu hết nước thải được xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Cùng với nghề trồng lúa, người dân xã Nguyên Lý lâu nay vẫn duy trì nghề tráng bánh đa nem truyền thống. Nghề cổ truyền này đã giúp hàng trăm hộ dân trong xã nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây do năng suất gia tăng vì sản xuất được cơ giới hóa kết hợp với hướng đi lên của chăn nuôi, tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây trở nên nghiêm trọng.
Là một trong những thanh niên có chí làm giàu của thôn Trần Xá 2, từ chục năm nay, anh Trần Văn Hướng đã đầu tư máy tráng bánh đa nem về sản xuất, nâng công suất từ 200 – 300 phên bánh/ngày lên 2000 – 2.500 phên mỗi ngày. Tiếp đó, nhằm tận thu nguồn phụ phẩm từ sản xuất bánh đa nem, anh Hướng đã quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Ban đầu chỉ vài con, nhưng rồi số lượng tăng lên hàng chục. Cao điểm, trong chuồng nhà anh có tới 40 – 50 đầu lợn các loại, cả lợn nái lẫn lợn thịt.
“Toàn bộ nước thải, chất thải của nhà mình đều được xả trực tiếp ra chiếc ao cạnh nhà. Trước đây sản xuất thủ công, năng suất thấp thì tình trạng ô nhiễm còn nhẹ, từ khi sản xuất bằng máy và tăng quy mô chăn nuôi, lượng chất thải cũng nhiều hơn, nên ảnh hưởng của môi trường cũng theo đó tăng lên” – anh Hướng cho biết.
Quyết tâm giải quyết toàn bộ lượng nước, chất thải đó, anh Hướng đã xây dựng hầm bioga nhằm hạn chế lượng nước, chất thải chăn nuôi, đồng thời làm khí đốt. Tuy nhiên, anh Hướng chỉ là một số ít hộ dân ở thôn Trần Xá 2 đầu tư xây dựng hầm bioga để giảm thiểu chất thải ra môi trường, còn lại hầu hết các hộ dân đều xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.
Ông Trần Văn Ba – Trưởng thôn thôn Trần Xá 2 cho biết: “Thôn Trần Xá 2 có 160 hộ thì có hơn 100 hộ sản xuất bánh đa nem kết hợp với chăn nuôi lợn. Nhưng số hộ xây dựng hầm bioga để chứa chất thải thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy hiện nay, tình trạng xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương, ao hồ trên địa bàn thôn đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa khô “.
Toàn bộ các hộ sản xuất cư trú tại 15 xóm trong tổng số 20 xóm của toàn xã. Hầu hết các hộ tráng bánh đều sản xuất trong khuôn viên nhà mình, khu sản xuất liền kề với khu nhà ở. Hiện nay, các lò sản xuất bánh đa nem ở Nguyên Lý nếu hoạt động liên tục sẽ tiêu thụ khoảng 4 tấn gạo/ngày, làm ra 3.200kg sản phẩm.
Bên cạnh nguồn nước thải, sản xuất bánh đa nem sử dụng than đá để duy trì lò hơi phục vụ cho khâu tráng bánh và tất cả các chất thải của lò hơi này cũng đi qua ống khói trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe của người dân.
Dọc thôn Trần Xá 2, các mương máng ứ đọng đen đặc các chất thải chăn nuôi, bốc mùi hôi khó chịu. Người dân trong thôn cho biết, vào mùa khô ô nhiễm không khí trở nên nặng nề hơn, do chất thải tồn lắng.
Tại các thôn khác của xã Nguyên Lý, tình trạng ô nhiễm môi trường tuy ít hơn, nhưng vẫn đang là nỗi lo của nhiều hộ dân trong xã. Bản thân ông trưởng thôn Trần Xá 2 cũng băn khoăn vì tình trạng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong thôn.
“Tuy góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động trong xã, nhưng nghề tráng bánh đa nem cùng với nghê chăn nuôi lợn cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người. Đặc biệt là nguồn nước ngầm hiện nay đã bị ô nhiễm nặng vì nhiễm asen, sắt, chứ không còn trong lành như trước đây. Hiện gia đình tôi đã chuyển sang sử dụng nước máy để đảm bảo an toàn sức khỏe” – ông Ba nói.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Nguyên Lý cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương đã được cải thiện nhiều so với những năm trước đây, nhờ xã đã chú trọng quan tâm xây dựng hệ thống mương máng thoát nước, xây dựng nông thôn mới, song vẫn còn tồn tại ô nhiễm và cần phải có thêm thời gian để khắc phục hiệu quả vấn đề môi trường sống của người dân trong xã.