ThienNhien.Net – Hoa Kỳ đã được Ủy ban sáng kiến Minh bạch Ngành công nghiệp khai thác (EITI) chấp nhận trở thành quốc gia ứng viên vào tháng 3 vừa qua – quốc gia đầu tiên trong Nhóm các quốc gia G8 chính thức gia nhập cộng đồng 41 nước tham gia EITI.
Theo báo cáo, năm 2013, chính phủ Hoa Kỳ thu về 14 tỷ USD từ các công ty khai khoáng, nguồn thu lớn thứ hai của nước này. Việc Hoa Kỳ tham gia EITI đã chứng tỏ xu hướng tăng cường minh bạch trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác.
Ông Paul Bugala, thành viên Ban thẩm duyệt hồ sơ EITI nhận định: “Đây chỉ là một phần của làn sóng tăng cường minh bạch – một sự thừa nhận rằng thông tin không chỉ quan trọng đối với các nhà đầu tư mà với cả các quốc gia có ngành công nghiệp khai thác và các cộng đồng địa phương”.
Một trong những yêu cầu của Ủy ban EITI với các chính phủ và công ty khai thác là công khai số tiền nộp thuế và các khoản thu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hồ sơ tham gia EITI của Hoa Kỳ còn vượt ngoài tiêu chuẩn khi bao gồm cả các báo cáo về các nguồn năng lượng tái tạo và các khoáng sản phụ trợ.
Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình của ngành công nghiệp khai khoáng nước này vẫn bị đánh giá là chưa rõ ràng.
Bà Mia Steinle, điều phối viên Ủy ban EITI xã hội dân sự tại Hoa Kỳ, nhận xét: “các thông tin công bố thường là cộng gộp và chỉ có thể tìm kiếm theo năm, theo bang và theo vài loại hàng hóa. Do đó, một cộng đồng quanh mỏ than chẳng hạn thực sự không thể biết liệu họ có nhận được nguồn lợi xứng đáng hay không từ phân bổ nguồn thu của chính quyền.”
Trao quyền tiếp cận thông tin cho công chúng là vô cùng quan trọng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi các hợp đồng khai khoáng thường bị chi phối mạnh mẽ bởi các công ty và chính quyền trong khi lợi ích của địa phương chưa được chú ý đúng mức.
Hiện có 26 quốc gia phù hợp với những tiêu chuẩn tối thiểu của Sáng kiến EITI và 18 quốc gia khác được coi là các ứng viên.
Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đã thể hiện thiện chí tham gia sáng kiến này thông qua các dự luật liên quan. Theo đó, Liên minh Châu Âu sẽ thực hiện các yêu cầu minh bạch mới vào năm tới trong khi dự luật tương tự ở Hoa Kỳ vẫn đang mắc kẹt giữa những tranh cãi.
Năm ngoái, dự thảo một đạo luật yêu cầu công bố tất cả các khoản đóng góp của các công ty khai khoáng Hoa Kỳ cho các chính phủ nước ngoài đã không được chấp thuận. Việc Hoa Kỳ trở thành ứng viên tham gia sáng kiến EITI được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình hiện thực hóa đạo luật này.
Bà Steinle cho biết, các cuộc thảo luận về EITI giữa các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và chính phủ đã mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên. Bà cũng hy vọng việc Hoa Kỳ trở thành thành viên chính thức của EITI sẽ là tấm gương cho các quốc gia chưa tham gia sáng kiến này.
Hoa Kỳ còn ba năm để hoàn thiện báo cáo của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn EITI trước khi báo cáo đầu tiên được đệ trình vào năm 2015.