ThienNhien.Net – Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 28 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó chủ yếu là khai thác cát, đất, mở các bến, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng.
Nhìn chung các cơ sở này tuân thủ đúng các quy định pháp luật khoáng sản và bảo vệ môi trường, phù hợp quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động khai thác theo giấy phép, tình trạng khai thác khoáng sản “lậu” bằng phương pháp hút cát trực tiếp từ lòng sông lên tàu, thuyền và đưa vào tập kết ở các bãi chứa vật liệu xây dựng ven sông diễn ra phức tạp tại nhiều xã, phường ven sông thuộc quận Hoàng Mai, các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín… Mặc dù các đơn vị chức năng đã kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn xảy ra, gây sụt lở bờ sông, sạt lở đất canh tác ven sông và làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, vi phạm trật tự giao thông đường thủy.
Đáng chú ý, tình trạng sử dụng đất ven sông làm các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng diễn ra với quy mô lớn tại nhiều địa bàn, không chỉ tiếp tay cho hoạt động hút cát trái phép trên lòng sông, mà nghiêm trọng hơn đã gây cản trở dòng chảy, có khả năng gây nguy hại cho hệ thống đê điều, kè đập. Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tại bốn phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và Thanh Trì của quận Hoàng Mai có 12 bãi chứa sử dụng trái phép hơn 380 nghìn m 2 đất. Tại huyện Phú Xuyên có bảy bãi chứa, tập trung ở xã Văn Nhân và thị trấn Phú Minh với diện tích đất sử dụng trái phép gần 138 nghìn m2 . Huyện Đông Anh có 20 bãi chứa, sử dụng trái phép gần 69 nghìn m 2 …
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại các địa phương bị buông lỏng kéo dài. Phần lớn diện tích sử dụng trái phép trên là đất công do UBND xã, phường quản lý, sử dụng, được ký hợp đồng cho các đơn vị, cá nhân thuê thầu để làm bãi chứa vật liệu xây dựng hoặc núp bóng dưới hình thức sản xuất nông nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản còn chưa hiệu quả, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các ngành chức năng.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản, thành phố cần có các biện pháp mạnh để siết chặt hoạt động quản lý và xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm lãnh đạo xã, phường không hoàn thành nhiệm vụ được giao để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài.