ThienNhien.Net – Các tháng 2, 3 và 4 hàng năm là thời điểm xảy ra nhiều vụ cháy đe dọa đến rừng của TPHCM. Đã có 18 vụ cháy 40,5ha rừng phân tán…
Do bất cẩn
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của TPHCM trên 36.700ha, chiếm 16,4% tổng diện tích tự nhiên (2.095km2), nhiều nhất ở huyện Cần Giờ, kế đến 2 huyện Bình Chánh, Củ Chi và quận 9. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao khoảng 8.700ha ở 19 xã, phường thuộc huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9. Trong số này, gần 3.200ha cây lâm nghiệp trồng phân tán (tràm cừ, bạch đàn, tràm bông vàng), hơn 4.300ha cây trồng khác như mía, đồng cỏ năng…
Như vậy, diện tích rừng dễ cháy chỉ hơn 1.200ha. Có thể nói đây là một lợi thế rất lớn của TPHCM, bởi phần lớn rừng của TPHCM là rừng ngập mặn, với chế độ bán nhật triều, nước lên xuống 2 lần/ngày nên tự thân đã giúp phần lớn diện tích rừng luôn giữ độ ẩm cần thiết nên khó có thể cháy như những tỉnh, thành có rừng khác.
Theo dõi các vụ cháy rừng nhiều năm qua, ông Đào Văn Đang, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết, năm nào TPHCM cũng xảy ra các vụ cháy rừng, như năm 2013 có 18 vụ cháy, thiệt hại hơn 17ha, 4 tháng đầu năm 2014 cũng có 18 vụ cháy, nhưng thiệt hại lên đến 40,5ha, nhiều nhất là huyện Củ Chi với 9 vụ, kế đến Bình Chánh có 6 vụ…
Nhưng theo ông Đào Văn Đang, nếu phân tích kỹ sẽ thấy, chỉ là các vụ cháy cây phân tán, đồng cỏ hoang, chưa xảy ra các vụ cháy rừng tập trung thật sự. Từ những trảng cỏ, đặc biệt là cỏ năng ở huyện Củ Chi, Bình Chánh dạng “da beo”, xen cài giữa đồng cỏ và cây phân tán dễ dẫn đến cháy lan vào mùa nắng, đồng cỏ khô.
Điều quan tâm, do vùng cây phân tán tự phát trồng trên đất nông nghiệp không theo quy hoạch nào, chỉ cần có đất trống là trồng nên không thể có công trình phòng chống cháy như dọn dẹp cành lá khô… như các chủ rừng vẫn thường làm; thậm chí không có ai không quan tâm nên chỉ cần một tàn thuốc hút dở vứt bừa bãi vào khu vực này cũng có thể gây cháy đồng cỏ, gió làm tàn lửa bốc lên theo gió lan qua vùng trồng cây phân tán đang khô giòn vì nắng như ở huyện Củ Chi.
Cũng có thể cháy cỏ khô lan sang cánh đồng mía như ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh… Năm rồi xảy ra vụ đốt rác công nghiệp bất hợp pháp trên đồng vắng ở quận 9, gây cháy lan.
Không chỉ tập trung cao điểm
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm TPHCM, các vụ cháy rừng tập trung nhiều nhất trong năm ở TP là tháng 2, 3, và 4. Năm nay cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa thời gian tới sẽ không còn xảy ra vụ cháy rừng nào nếu lơ là phòng chống. Bởi với thời tiết khô và nóng như hiện nay, dù có mưa nhưng chưa đều thì chưa thể đảm bảo được điều gì. Đó còn chưa nói đến tác động của biến đổi khí hậu có thể có những bất thường mà chúng ta chưa thể hình dung ra hết.
Các cánh rừng, nhất là 1.200ha diện tích rừng dễ cháy nhưng rất may chưa xảy ra các vụ cháy nhiều năm qua, theo Chi cục Kiểm lâm TP, là do chủ rừng chủ động phòng chống ngay từ đầu mùa khô. Hàng năm trước mùa khô đến, TP đều kiểm tra, nhắc nhở việc phòng chống cháy rừng nên các đơn vị chủ rừng thường chủ động các biện pháp phòng chống và luôn xem là nhiệm vụ hàng đầu.
Các đơn vị chủ rừng thường kiểm tra thực tế, xây dựng phương án, tổ chức trang bị, sửa chữa thiết bị phòng chống cháy rừng, như làm đường băng cản lửa, thu gom thực bì dễ cháy, làm vệ sinh điểm tiếp giáp đồng cỏ, tạo hành lang chống cháy lan từ đồng cỏ vào rừng.
Trong mùa khô hạn ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi, chủ rừng bơm nước từ kênh vào giữ độ ẩm của nền đất rừng, góp phần tích cực và phòng chống các vụ cháy rừng. Nhờ có sự chủ động nên dù có cháy đồng cỏ nhưng không lan vào rừng trồng. Ngoài ra còn bố trí việc canh phòng 24/24 giờ.
Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người trồng mía nếu có đốt đồng như cách làm vệ sinh đồng ruộng theo tập quán nên chọn thời điểm thích hợp như buổi sáng sớm khi còn hơi ẩm, không đốt cỏ vào buổi trưa nắng gắt… và phải báo địa phương biết để chủ động nếu có phát sinh cháy lan.
Từ năm 2013, TP cho phép các địa phương có cây phân tán tập trung trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng cũng như huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ giúp chữa cháy kịp thời. Bởi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thường ở xa, gần nhất cũng phải 30 – 45 phút mới có mặt.
Tuy nhiên, khi nào chưa thể quản lý, chưa kiểm soát cũng như chưa có biện pháp phù hợp và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy thì cháy rừng ở TPHCM vẫn là một nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.