ThienNhien.Net – Nhiều nơi ở ĐBSCL đang đau đầu tìm cách xử lý rác . Trong khi đó, có địa phương đã xây nhà máy hiện đại nhưng lại để “trùm mền”.
Tuần qua, người dân sống quanh bãi rác quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã chặn xe chở rác đến đây đổ. Theo người dân, bãi rác này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của họ. Trong 2 ngày 20 và 21-4, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã đến làm việc với người dân, đề nghị họ cho xe rác vào bãi đổ. Dù TP Cần Thơ đưa ra nhiều giải pháp nhưng hàng trăm người vẫn phản đối việc tiếp tục đổ rác ở đây.
Rác thải ùn ứ
Khi Cần Thơ còn là tỉnh, rác của địa phương này được đổ ở bãi Tân Long. Sau khi tỉnh Cần Thơ chia tách thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang từ năm 2004, bãi rác Tân Long thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Trong 10 năm qua, rác tại Cần Thơ đều trung chuyển về bãi Tân Long đổ.
Trước việc bãi rác Tân Long gây ô nhiễm môi trường, ngày 31-12-2013, tỉnh Hậu Giang quyết định đóng cửa bãi rác này. Cần Thơ không còn nơi đổ rác nên với số rác khoảng 400 tấn/ngày, TP phải trung chuyển về các quận – huyện. Từ ngày 1-1-2014, bãi rác quận Ô Môn hình thành và qua 4 tháng đã gây ô nhiễm khiến người dân phản ứng.
Việc xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao đã được lãnh đạo TP Cần Thơ nhắc đến nhiều lần tại các cuộc họp. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, TP đã cử đoàn sang Hồng Kông, Mỹ khảo sát để chọn lựa nhà thầu nhưng không khả thi nên việc xây nhà máy rác chậm trễ cho đến nay.
Dự kiến đầu tháng 5-2014, TP Cần Thơ sẽ thi công nhà máy xử lý chất thải rắn trị giá 27 triệu euro tại quận Ô Môn. Sau 18 tháng, nhà máy này sẽ hoạt động với công suất 300 tấn rác/ngày.
Trong khi đó, sau khi bãi Tân Long đóng cửa, rác của tỉnh Hậu Giang được dời về bãi Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp tập kết. Bãi rác này lại nằm gần trường học, khu dân cư, gây khó chịu cho giáo viên, học sinh và người dân.
Trong 4 tháng qua, bãi rác này phải tiếp nhận thêm khoảng 50 tấn/ngày. “Nhà tui gần bãi rác, mùa nắng thì mùi hôi thối xộc lên, nhiều lúc tui bị viêm mũi nặng. Thời gian gần đây, rác đem đến bãi đổ ngày càng nhiều. Tới mùa mưa, nước bẩn từ đây chảy tràn sang nhà tui, lúc đó không biết tính sao” – bà Nguyễn Thị Lượm, một người dân sống gần bãi rác Kinh Cùng, lo ngại.
Nhà máy hiện đại “ngủ đông”
Tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, một bãi rác lộ thiên cao hơn 15 m cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống xung quanh. Bãi này tập trung rác thải của tỉnh Vĩnh Long từ năm 1997, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 tấn rác với hình thức chôn lấp và khử mùi.
Từ Quốc lộ 1, người ta đã có thể nhìn thấy bãi rác khổng lồ này và không khỏi khó chịu vì mùi hôi thối. Anh Lê Văn Hòa – ngụ ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú – bức xúc: “Gia đình tui ở gần bãi rác này, nhiều năm nay không thể chịu nổi, nhất là vào những ngày mưa. Nhà cửa lúc nào cũng đầy ruồi nhặng. Mấy tháng trước, thấy nhà máy xử lý rác khánh thành, bà con tưởng đâu bãi rác sẽ được xử lý, ai dè rác ngày càng chất đống”.
Điều oái ăm là Nhà máy Xử lý rác Phương Thảo nằm sát bãi Hòa Phú nhưng không thể lấy nguyên liệu để hoạt động. Được tỉnh Vĩnh Long mời gọi, Công ty CP Đầu tư Phát triển Phương Thảo đầu tư 238 tỉ đồng xây nhà máy trên diện tích 8 ha nhằm giải quyết lượng rác tại bãi Hòa Phú. Cuối năm 2011, nhà máy chạy thử nghiệm với công suất thiết kế 300 tấn rác/8 giờ, dây chuyền phân loại rác nhập từ Đức. Thế nhưng, khi nhà máy vận hành thì giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Công ty Phương Thảo phát sinh một số bất đồng.
Tháng 4-2013, UBND tỉnh Vĩnh Long giao cho Công ty Phương Thảo xử lý 100 tấn rác/ngày với giá 240.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, đưa vào vận hành được 6 tháng thì nhà máy đóng cửa cho tới nay. Bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Phương Thảo, cho rằng mức giá mà UBND tỉnh Vĩnh Long đưa ra thấp, trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 300 tấn/ngày nhưng chỉ được xử lý 100 tấn, không đủ chi phí vận hành nhà máy, trả tiền nhân công…
Ngày 11-4 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã họp bàn về vấn đề này. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định nhà máy chưa xử lý nước thải bảo đảm đạt chuẩn quy định. Việc công ty muốn tăng giá xử lý rác thì đến nay vẫn chưa gửi Sở Tài chính báo cáo giá thành thực tế xử lý 1 tấn rác cũ và mới để thẩm định.
Bà Phương Thảo rầu rĩ: “Tôi đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long cho công ty được nhận rác từ các tỉnh, thành khác với giá 320.000 đồng/tấn để sử dụng hết công suất thiết kế, rác ở địa phương vẫn tính giá 240.000 đồng/tấn nhưng tỉnh không cho”.
Theo ông Trương Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh chưa đồng ý đề nghị của Công ty Phương Thảo nhập rác từ địa phương khác về xử lý vì những yêu cầu về môi trường công ty vẫn làm chưa xong, sản phẩm đầu ra chưa được ngành chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn…
Nhiều bãi rác ô nhiễm
ĐBSCL có nhiều bãi rác hình thành lâu đời nằm trong 52 bãi ô nhiễm nhất nước, cần phải xóa bỏ theo lộ trình, như: Hòa Phú (Vĩnh Long), Bình Đức (TP Long Xuyên), bãi rác kinh T4 (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang)… Công ty TNHH MTV Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long đang triển khai các thủ tục xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi rác Hòa Phú (giai đoạn 2) và đóng cửa để sớm rút tên khỏi 52 bãi ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, tỉnh An Giang cũng khẩn trương xử lý, đóng lấp dứt điểm 2 bãi rác kinh T4 và Bình Đức. |