ThienNhien.Net – Các làng chài ven biển tỉnh Khánh Hòa đang bộc lộ bộ mặt xấu xí bởi rác thải và mùi hôi thối. Người dân ở đây đang phải sống chung với ô nhiễm do chính họ thải ra…
Rác ngập làng chài
Những ngày này, nắng nóng kéo dài, không khí ở khu dân cư ven vịnh Cam Ranh (phường Cam Lợi, Cam Linh, Cam Phú… TP. Cam Ranh) như đặc sánh lại với mùi hôi nồng bốc lên từ mép biển. Cái mùi hôi thối tổng hợp nồng nặc này bắt nguồn từ rác thải nổi lềnh bềnh kín mặt nước và từ các nhà vệ sinh dạng cầu tõm của cư dân ở đây.
Bà Lê Thị Sương (phường Cam Lợi) đang loay hoay rửa mớ cá tươi trên cái chái nhà bếp chồ ra mép biển rồi đổ ào nước bẩn xuống dưới, nói: “Nhà chật lắm, phải làm nhà bếp lấn ra biển bằng kiểu nhà chồ như vầy cho thoáng. Họ còn làm cả nhà vệ sinh chồ ra biển nữa kìa. Rác sinh hoạt xả thẳng xuống biển nên giờ biển như cái bãi rác, thủy triều xuống, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc!”.
Tại khu dân cư ven biển, gần cảng Cửa Bé (phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang) cũng có tình trạng tương tự. Rác ngập ngụa dập dềnh cùng sóng biển. Những túi rác xanh, đỏ các loại vây kín ghe tàu neo đậu ở mép biển. Chiều chiều, những người dân vô tư đứng ngay cửa bếp, quẳng vứt bịch rác xuống mép biển, nổi lềnh bềnh. Vậy nhưng khi được hỏi về nguyên nhân vì sao tình trạng ô nhiễm ngay cạnh nhà dân ngày càng nghiêm trọng đến vậy, người dân lại thường nói rác ở những nơi khác bị sóng biển dập dạt vào bờ. Trong khi đó, khu dân cư dọc vùng cửa biển sông Cái (đổ ra biển Nha Trang) người dân vẫn có thói quen thải rác ra mép sông, chờ nước lên, cuốn phăng ra biển… Còn các bãi biển Vạn Hưng, Vạn Thạnh… (huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa) chỗ nào cũng thấy đủ loại rác thải được sóng biển tấp vào bờ.
Theo báo cáo quan trắc môi trường, phần lớn các gia đình sống ven biển ở tỉnh Khánh Hòa không có nhà vệ sinh tự hoại, rác thải ném bừa ra biển. Các vùng nước ven bờ của các khu đông dân cư thường có độ nhiễm bẩn rất cao. Lưu vực sông Cái (Nha Trang) có đến nửa triệu dân sinh sống, phần lớn rác thải sinh hoạt của người dân được vứt trực tiếp xuống nước. Nhiều nguồn nước thải sinh hoạt có chứa các yếu tố nhiễm bẩn vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước thải sinh hoạt tại khu dân cư Cửa Bé có lượng BOD là 156 mg/l, COD 253 mg/l, hydro cacbon 52,15mg/l…
Dân làm trái ý tỉnh
Ông Võ Sỹ Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Việt Nam cho biết: “Những hoạt động như phá rừng, sự cố tràn dầu, hoạt động xả rác thải của con người, xả thải của nhà máy, khu công nghiệp, du lịch… góp tới 85% cho việc ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái”.
Phòng Tài nguyên- Môi trường TP.Cam Ranh cho biết, từ năm 2012, UBND TP.Cam Ranh đã cấp vốn cho 7 phường ven vịnh Cam Ranh như: Cam Nghĩa, Cam Phú, Cam Linh hay Ba Ngòi, mỗi phường 30 triệu đồng để thực hiện thu gom rác thải, nhưng đến nay mô hình này chưa phát huy hiệu quả triệt để. Có phường làm lấy lệ, có phường thậm chí không làm nổi. Hiện phòng vẫn đang thực hiện việc thống kê số hộ dân làm nhà, lấn biển, xả rác xuống biển gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp vận động, xử lý… Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản cấm mọi hình thức xả thải trên vịnh Nha Trang nhưng đến nay nhiều khu dân cư dân sống ven vịnh vẫn chưa thực hiện lệnh cấm.
Ngày 12.3.2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định chương trình hành động thực hiện kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường. Trong đó, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn, miền núi, ven biển, hải đảo và quản lý tài nguyên biển đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Song song với việc thực hiện đề án quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố Nha Trang, áp dụng các biện pháp tích cực phòng chống nguy cơ ô nhiễm biển từ các hoạt động ở đất liền…