ThienNhien.Net – Hiện nay Thái Nguyên có 19.141 ha chè. Con số trên đã vượt kế hoạch của tỉnh là 18.000 ha vào năm 2015.
Là thủ phủ của trà Việt, chè từ vị trí là cây xóa đói giảm nghèo đã được nâng tầm thành cây mũi nhọn, cây làm giàu cho người làm chè Thái Nguyên. Tuy nhiên, những nương chè, đồi chè xứ Thái lại manh mún, vụn vặt. Việc tạo ra những vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu chè quy mô lớn luôn là đòi hỏi khách quan. Và thời gian qua, người dân đã tự phát phá đất lúa để trồng chè.
Chè “đè” lúa
Có thể nói, từ việc thực hiện đề án thâm canh, cải tạo chè được thực hiện trong những năm qua, cây chè với nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao đã giúp thay đổi đời sống người làm chè theo hướng tích cực. Thực tế đó làm rộ lên việc người dân ở nhiều địa phương tự ý đổ đất xuống ruộng cấy lúa chuyển sang trồng chè.
Cánh đồng Cao (xã Tân Linh, huyện Đại Từ) có diện tích 3ha. Từ khi kênh dẫn nước vào đồng bị vỡ, không chủ động thủy lợi để cấy lúa, người dân đã đồng loạt chuyển sang trồng chè. Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm 3, xã Tân Linh, huyện Đại Từ) hạch toán, một sào lúa 2 vụ thu được 4 tạ thóc, giá 6.000 đ/kg thì một năm có 2,4 triệu đồng. Nếu trừ công và đầu tư giống, phân bón, may ra còn được vài trăm ngàn.
Nhưng nếu chuyển sang trồng chè thì mỗi năm cho thu tới trên dưới 15 triệu. Trừ công, phân bón, chắc cũng được khoảng 10 triệu. Mà làm chè còn nhàn hơn cấy lúa nhiều. Tuy nhiên, hầu hết những diện tích mà người dân tự ý chuyển đổi thường là ruộng kẹp, vàn cao, ruộng 1 vụ lúa, không chủ động thủy lợi.
Con số hạch toán của người dân ở những vùng chè đặc sản còn thuyết phục hơn. Anh Phạm Văn Hòa (xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh – vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương) nhẩm tính, 1 sào lúa 1 vụ được 2 tạ thóc, tương đương 1,2 triệu. Nếu làm chè sẽ cho 30 kg chè khô mỗi lứa. Trung bình một năm khoảng 7 – 8 lứa, đạt tổng sản lượng khoảng 2 tạ, nhân với giá bán 200 ngàn/kg, sẽ cho giá trị là 40 triệu.
Điều quan trọng là chi phí công và phân bón làm chè chỉ vào khoảng 1/3 giá trị thu nhập. Trong khi đó, việc cấy lúa trên ruộng một vụ sẽ rất khó khăn, tốn kém công sức, chi phí vật tư, phân bón. Thậm chí còn mất mùa là chuyện thường.
Ông Đỗ Quang Hoan (Trưởng xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh) cho biết, quản lý trên sổ sách thì xóm có gần 12 ha đất lúa nhưng thực tế, bà con đã chuyển đổi gần hết diện tích sang trồng chè. Hiện chỉ còn hơn 1 ha đất lúa, do không chuyển sang trồng chè được vì nhiều lý do nên bà con để ruộng hoang.
Thực tế khó cưỡng
Ông Nguyễn Lương Đằng (Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) cho biết, trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2013, đã có gần 150 ha đất lúa bị người dân tự ý chuyển đổi mục đích sang trồng chè.
Đại diện ngành nông nghiệp địa phương, ông Hoàng Văn Dũng (Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hiện nay Thái Nguyên có 19.141 ha chè. Con số trên đã vượt kế hoạch của tỉnh là 18.000 ha vào năm 2015. Do đó, tỉnh không khuyến khích phát triển thêm diện tích chè!
Hầu hết các trường hợp đều làm lén lút vào ngày nghỉ, ban đêm. Người dân đã tập hợp số lượng lớn phương tiện máy móc, thiết bị để triển khai thật nhanh. Khi chính quyền phát hiện thì ruộng đã thành nương. Việc xử phạt vi phạm đã nằm sẵn trong tính toán của dân. Vì động cơ của sự vi phạm được tính toán, chủ động nộp phạt nên cho đến nay, chưa có một trường hợp chuyển đổi nào trên địa bàn xã Tức Tranh thực hiện việc khôi phục diện tích đã chuyển đổi.
Ông Nguyễn Phan Vĩnh (Chủ tịch UBND xã Tân Linh, huyện Đại Từ) cho biết, thực tế, không thể phủ nhận hiệu quả cao gấp nhiều lần của trồng chè so với trồng lúa. Xã cứ lập biên bản vi phạm hành chính, cứ xử phạt, dân sẵn sàng nộp phạt. Dân còn lập luận với cán bộ xã, “không cho sản xuất, nếu chúng tôi nghèo đói thì ai cứu trợ gia đình chúng tôi?”.
Ông Phạm Bình Công (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương) cho rằng, sẽ là duy ý chí nếu không đưa ra chính sách phù hợp, xuất phát từ thực tế và từ đòi hỏi nâng cao đời sống cho nhân dân. UBND huyện Phú Lương sẽ chỉ đạo rà soát toàn bộ những diện tích mà bà con đã tự ý chuyển đổi.
Trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch của địa phương, huyện sẽ báo cáo Sở TN-MT và UBND tỉnh trình phê duyệt, cho phép những phần diện tích đủ tiêu chuẩn thực hiện thủ tục hợp thức hóa chuyển đổi.
Theo ông Đoàn Văn Tuấn (Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên), quy luật tự nhiên khắt khe với hàng ngàn năm kiến tạo, việc thay đổi kết cấu đất đai thì dễ nhưng để khôi phục thì lại mất một quy trình thời gian nhiều năm. Trong khi đó, việc tự ý chuyển đổi của không ít trường hợp không có mục đích canh tác.
Vì vậy, việc người dân tự ý thay đổi kết cấu đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nếu muốn được gỡ rào cản thì phải đảm bảo được tính kế hoạch, quy hoạch gắn với chương trình MTQG xây dựng NTM của xã, huyện, tỉnh.