ThienNhien.Net – Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là một xã đặc biệt khó khăn. Đã vậy, từ năm 2006, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây bị đảo lộn để nhường mặt bằng cho thủy điện. Đồng bào phải di dân tái định cư qua vùng cửa gió – một nơi vô cùng khắc nghiệt. Đói rét đã đành, 8 năm qua đồng bào nơi cửa gió còn đau lòng về những cánh rừng ma bị ngập chìm dưới lòng hồ thủy điện.
Lay lắt nơi cửa gió
Bắt đầu từ tượng đài Chiến thắng Khe Sanh tọa lạc ngay ở một cung đường của thị trấn, đường vào Hướng Linh là một con đường nhựa gần 22km, giao thông đi lại rất thuận tiện nhưng đời sống người dân vẫn chẳng khấm khá hơn so với hơn 10 năm trước. Những cánh rừng tràm gần 10 năm tuổi nhưng cao chừng 2m và thân bằng cổ tay, số lớn cây khẳng khiu và da có màu đen trũi. Những búi cỏ bên đường như bám chặt vào đất để chống lại cái gió. Và dường như chúng cố mưu sinh bằng cách cắm sâu rễ vào thớ đất có màu vàng phèn. Nhiều loại thực vật ở đây đứng gần ngang bằng nhau bất chấp chủng loại cao hay thấp. Từ xa, có thể nhìn thấy cả 7 bản trong xã ngập trong tầng tầng lớp lớp mây. Người dân nơi đây chỉ biết mưu sinh bằng những đám ruộng lúa nước ở làng cũ cách đó chừng 2km, bởi ở đây cây sắn, cây khoai lang không chịu được với gió. Số thời gian còn lại người đồng bào nơi đây sống nhờ trợ cấp và làm thuê.
Và họ nợ tiền, nợ gạo, nợ từng lít dầu ăn, nợ bó rau, con cá từ những người ở đồng bằng mang lên bán chịu. Cuộc sống cứ thế nối nhau từ ngày này sang ngày khác. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh người dân nơi đây, già có, trẻ có, trai có, gái có, đàn bà có chửa cũng có… họ nối tiếp nhau vào buổi sớm tinh mơ trên hành trình đến xã Hướng Phùng, Hướng Tân xa trên 20km để làm thuê trên những đồi cà phê. Giá nhân công rẻ mạt, nhưng những người được thuê còn có chút tiền mua thức ăn để trở về. Số không được chủ thuê trở về trong cơn đói rệu rã. Nhiều người không có gì để lót dạ vào buổi sáng. Họ bước đi lê thê trên con đường nhựa trơn bóng. Và rồi về nghe gió, nhìn mây, nhìn những mụn đất cứ khô khốc mà lòng chơi vơi giữa chốn tựa như bồng lai tiên cảnh. Bữa chính thức của họ quay lại với một ít cơm khô và sắn. Mà hai loại thực phẩm này cũng mua chịu từ cánh lái buôn tận dưới đồng bằng mang lên. Cảnh sống ở nơi đây như búi cỏ bám vào trên đất, gió cứ lắt lay thổi, mây cứ ngập ngụa bao lấy và cái rét về mùa hè người trẻ cũng run. Thì vẫn cứ sống đấy như câu nói của một người già trong bản Pa Koong – sống chừng nào mắt tắt sáng thì thôi nhìn thấy gió.
Những cánh rừng ma ngập nước
Đón chúng tôi trong một căn nhà sàn được làm bằng bê tông của khu tái định cư Hoong Cóc, già làng Hồ Văn Theng ngồi cạnh nơi thờ tự những linh hồn sống. Già quấn quanh mình bằng một chiếc chăn cũ cho đỡ rét. Cửa nhà vẫn mở để gió lùa vào từng hồi ráo riết. Già có thói quen… rất buồn, khi già không thể không nhìn về nơi lòng hồ ngập nước. Ở đó có hai cánh rừng ma của làng già ngập chìm trong nước. Khi nhắc đến những rừng ma bị ngập chìm trong nước, già đã không kìm được nước mắt và tay với lên chơi vơi khi ngồi cách đó chừng 2 km, già có thể chỉ đúng địa điểm chôn cất những người đã khuất trong dòng họ của mình.
Người Vân Kiều bao đời nay chôn cất người chết vào những nơi được quy định sẵn gọi là rừng ma. Trong cánh rừng rậm rạp đó, những người đã chết nằm lại với đất, với rừng vĩnh viễn chứ họ không có tục cải táng (bốc mộ) như một số dân tộc Pa Cô, Tà Ôi hay người Kinh thường làm. Đối với người Vân Kiều, đó là nơi thiêng liêng nhất, là nơi họ gửi gắm niềm tin cho dân làng, họ tộc có được sức khỏe, có được ấm thân, no bụng, có được đôi chân chắc khỏe và đôi tay mạnh mẽ để lên nương lên rẫy. Người Vân Kiều sống ở đâu là rừng ma nằm ở cạnh đó, giữa người chết và người sống có sự níu kéo bởi sợi dây linh thiêng. Sợi dây linh thiêng đó là những cánh rừng ma giờ ngập chìm trong nước.
Gương mặt già Hồ Văn Theng nhuốm buồn. Người cựu chiến binh 80 tuổi ấy từng không sợ khi đánh đuổi giặc Mỹ bảo vệ người dân thôn bản ở thời chiến. Cũng người cựu chiến binh ấy giờ là 1 trong 248 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Trị. Già làng nói dân bản nghe, bảo dân bản làm. Và cũng chính già vận động nhân dân về tái định cư tại Hoong Cóc để công trình thủy lợi, thủy điện được xây dựng. Ngày công trình thủy điện đóng cửa tích nước lòng hồ, người dân trong bản nhìn già, còn già thì nhìn những cánh rừng mà run cầm cập. Già nói già rất đau, đau từ tổ tiên già và tổ tiên của ba bản khác nằm cạnh đó bị ngập chìm trong nước nó thấm vào cái bụng. Đau lắm! Sợ lắm nhưng biết làm thế nào? Câu hỏi đó già đặt vào trí nhớ chúng tôi.
Chịu chung cảnh với người dân tộc Vân Kiều ở bản Xà Bai, những cánh rừng ma của bản Làng Mới, Pa Koong, thôn Miệt cũng bị chìm trong lòng hồ. Từ điểm những ngôi làng cũ chúng tôi có thể nhìn thấy những cánh rừng ma bị ngập sâu trong nước. Ở đấy độ sâu chừng 2-3m, có nơi nước ngập chừng 5-7 m. Cây cối chết trơ và cò trắng đậu. Chỉ tính riêng bản Xà Bai đã có đến hai rừng ma và hàng trăm hài cốt của người đã khuất bị dìm sâu trong nước mà người đồng bào gọi một cái tên đầy chua xót là “thủy táng”. Nhìn già Hồ Văn Theng ngồi tại tấm bê tông cũ, nơi đặt đế làm chân cầu thang của căn nhà cũ mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi giọt nước mắt của người già 80 tuổi nhòe lên hai khóe mắt.