ThienNhien.Net – Để giảm thiểu các tác động của môi trường, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động áp dụng các giải pháp đồng bộ, tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường. Từ “sản xuất sạch” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN cũng như toàn xã hội.
Sản xuất sạch mở ra nhiều cơ hội
Các nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng, sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các loại hình DN ở các ngành nghề khác nhau, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, tới nay, “sản xuất sạch” vẫn còn là khái niệm mới với nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và quá trình công nghiệp hóa đất nước, bên cạnh những lợi ích to lớn từ sản xuất công nghiệp mang lại, còn phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải tăng cường năng lực quản lý, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh. Các chuyên gia cho rằng, một trong những công cụ hữu ích giải quyết các vấn đề này là áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp.
Tại Hội thảo “Sản xuất sạch hơn và những lợi ích mang lại cho các doanh nghiệp” mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh- Tổng Thư ký Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)- cho rằng: Khi đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn, DN có thể mở ra nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao và bán ra với giá cao hơn. Các DN thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái. Tuân thủ đánh giá sản xuất sạch hơn sẽ giúp cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như ISO 14001 dễ dàng hơn…
Để đảm bảo lợi ích cho chính DN và góp phần ngăn ngừa, giảm các tác động về môi trường, các DN cần chủ động áp dụng các giải pháp đồng bộ, tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường trong hoạt động sản xuất – kinh doanh bằng việc đẩy mạnh cải tiến thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ mới, thay thế nguyên vật liệu có tác động xấu đến môi trường. |
Còn đó những rào cản
Lợi ích mà sản xuất sạch mang lại là thấy rõ, tuy nhiên, kết quả khảo sát đánh giá gần đây cho thấy, mức độ nhận thức về sản xuất sinh học tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên toàn quốc là khác nhau và chưa đầy đủ, nhiều DN vừa và nhỏ chưa áp dụng quá trình sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất- kinh doanh. Số ngành sản xuất công nghiệp biết đến sản xuất sinh học chủ yếu là các DN dệt may, rau quả nông sản, khai khoáng, mỏ, xi măng, gạch, chế biến thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), rào cản lớn nhất đối với áp dụng sản xuất sạch ở Việt Nam chính là từ nhận thức. Nhiều DN cho rằng, sản xuất sạch chỉ đơn giản là hoạt động bảo vệ môi trường thuần túy nên ngại tham gia mà không hiểu được rằng, sản xuất sạch không những kiểm soát được ô nhiễm mà còn mang lại lợi ích về tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít trường hợp khi đã thực sự hiểu lợi ích mà sản xuất sạch hơn có thể mang lại thì các DN lại trông chờ vào các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước…
Vì lẽ đó, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, đầu tư cho sản xuất sạch cần chú trọng nhiều đến đầu tư cho nhận thức và tầm nhìn hơn là các chi phí về vật chất. Ngoài ra, theo ý kiến của đại diện một số DN, để các DN biết đến và tham gia sản xuất sạch nhiều hơn, nhà nước cần có các chính sách khuyến khích phù hợp như cấp chứng nhận cho các DN áp dụng tốt sản xuất sạch hơn, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm sạch/thân thiện môi trường hay hỗ trợ về mặt thông tin. Về tài chính, hiện nay đã hình thành một số quỹ thương mại ưu đãi tín dụng cho việc áp dụng sản xuất sạch. Hỗ trợ kỹ thuật cũng là hoạt động cần ưu tiên thúc đẩy. DN thường nêu lý do thiếu vốn để thực hiện sản xuất sạch hơn, vì vậy việc hỗ trợ kỹ thuật thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn (hỗ trợ mềm) sẽ góp phần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng DN.