ThienNhien.Net – Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang tiềm ẩn một cuộc chiến không hề khoan nhượng, cuộc chiến nguồn nước trên các dòng sông.
Bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn dọc biên giới còn đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc còn “căng” nhau về nguồn nước trên con sông Brahmaputra (có nghĩa là “con trai của Brahma” trong tiếng Phạn) theo cách gọi của Ấn Độ hay Yarlung Tsangpo mà Trung Quốc gọi đoạn chảy trên phần đất nước này. Sông Brahmaputra, dài khoảng 2.900 km, khởi nguồn ở Tây Tạng (trên đất Trung Quốc) chảy len lỏi theo những thung lũng Himalaya trước khi đổ vào con sông Hằng nổi tiếng của Ấn Độ.
Từ hàng nghìn năm nay, Brahmaputra không chỉ là nguồn cung cấp nước quan trọng cho đồng bằng châu thổ sông Hằng, nuôi sống hàng trăm triệu dân Ấn Độ, mà còn là đường giao thông quan trọng chứa đựng những di sản văn hóa nổi tiếng. Tuy nhiên, dòng sông có ý nghĩa và vai trò to lớn với vùng Đông Bắc rộng lớn của Ấn Độ có thể phải chịu những tác động tiêu cực khi Trung Quốc bắt tay triển khai dự án xây dựng đập thủy điện Zangmu trên thượng nguồn sông Brahmaputra.
Theo thiết kế, nhà máy thủy điện Zangmu có 6 tổ máy phát điện với tổng công suất 540MW, sản xuất ra lượng điện bình quân khoảng 2.5 tỷ kWh điện mỗi năm. Điều đáng nói, thủy điện Zangmu là dự án thủy điện đầu tiên trong số 4 dự án thủy điện mà Trung Quốc dự định xây dựng trên sông Brahmaputra cùng với 3 dự án khác là Dagu, Jiacha và Jiexu.
Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn sông Brahmaputra sẽ tác động nghiêm trọng tới nguồn nước, giao thông cũng như cuộc sống và di sản của người dân vùng Đông Bắc Ấn Độ. Trong đó, các dự án thủy điện của Trung Quốc khi hoàn thành sẽ khiến Ấn Độ mất 64% lượng nước từ sông Brahmaputra trong mùa mưa và 85% lượng nước trong khoảng thời gian còn lại, đồng thời có thể bị lũ lụt nghiêm trọng nếu các đập thủy điện ở thượng nguồn xả nước tùy tiện vào mùa lũ.
Chính vì thế, Ấn Độ đã nhiều lần phản đối Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn sông Brahmaputra. Trung Quốc cũng từng nhiều lần trấn an Ấn Độ bằng những cam kết sẽ không làm gì ở các dòng sông xuyên biên giới làm ảnh hưởng tới lợi ích của các nước ở hạ lưu như Ấn Độ, song New Delhi có nhiều lý do để lo ngại và không tin tưởng bởi tới nay Bắc Kinh vẫn tìm cách tránh né, không chịu ký vào bất kỳ thỏa thuận nào chia sẻ nguồn nước với Ấn Độ.
Không ít chuyên gia cho rằng tranh chấp nguồn nước thay thế dầu mỏ sẽ trở thành căn nguyên làm bùng nổ các cuộc chiến tranh trong tương lai giữa các quốc gia, đã có những ý kiến lo ngại về “chiến tranh nước” giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Lo ngại này không phải không có cơ sở khi Trung Quốc chiếm 20% số dân thế giới, song lại chỉ sở hữu 8% nguồn nước ngọt sinh hoạt toàn cầu. Theo chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov: “Trong điều kiện tăng trưởng dân số, tăng trưởng kinh tế và gia tăng khối lượng tiêu thụ nước, các cuộc xung đột vì nguồn nước ngọt làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực”.