ThienNhien.Net – Người dân nhận đất trồng rừng đã góp một phần quan trọng trong phát triển rừng, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng, từng bước lập lại trật tự trong quản lý, bảo vệ rừng. Song, khi rừng cho gỗ thì các hộ lại gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá bán gỗ không đủ bù chi phí. Vì sao vậy ?
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, những diện tích rừng có sự tham gia bảo vệ của người dân đều mang lại hiệu quả nhất định: rừng ít bị xâm hại hơn, đời sống của người dân sống gần rừng được cải thiện đáng kể. Không ít cộng đồng thôn, buôn đã xem rừng là tài sản quý của buôn làng và có trách nhiệm bảo vệ như tài sản quý của mình; do vậy phát triển rừng trồng đã huy động được nhiều nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia. Mỗi năm, Ðắc Lắc trồng mới khoảng 5.000 ha rừng sản xuất, trong đó có khoảng 2.000 ha là do các hộ gia đình trồng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 21 nghìn ha rừng sản xuất với sản lượng gỗ bình quân đạt 10 nghìn m3/năm, đây là nguồn nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Chương trình hỗ trợ dân trồng rừng sản xuất bắt đầu triển khai ở tỉnh Ðắc Lắc từ năm 2006, đến nay đã từng bước giúp người dân nâng cao nhận thức phát triển kinh tế đồi rừng, làm thay đổi tập quán du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Theo những hộ dân ở xã Yang Kang (Krông Bông, Ðắc Lắc), với mức hỗ trợ hai triệu đồng, tuy không nhiều so với tổng mức đầu tư 17 đến 20 triệu đồng cho một chu kỳ khai thác, nhưng đã giúp ích rất nhiều cho các hộ nghèo. Không ít diện tích đất bị hoang hóa, bạc màu nay được bà con chuyển đổi sang trồng rừng. Còn đối với Dự án FLITCH (trồng rừng từ nguồn vốn Chính phủ vay Ngân hàng Châu Á – ADB), sau hai năm triển khai tại xã Krông Nô (huyện Lắc, Ðắc Lắc) đã phủ xanh gần 100 ha đất trống, đồi trọc…
Xã hội hóa nghề rừng là một chủ trương rất thiết thực của Nhà nước, được nhiều địa phương triển khai có hiệu quả, thông qua đó đời sống của họ được cải thiện và rừng ngày càng phát triển. Song, sau nhiều năm đầu tư “đến ngày hái quả”, ở Ðắc Lắc hiện đang xảy ra những bất cập cần tập trung giải quyết.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ma Ð’rắc Vũ Hữu Nhân đánh giá: Những năm gần đây, kinh tế rừng trở cho nên khó khăn về đầu ra, còn chi phí đầu tư lại tăng lên. Hầu hết lượng gỗ khai thác từ rừng trồng chủ yếu xuất bán ngoài tỉnh, gánh thêm phần chi phí vận chuyển cho nên thu nhập của chủ rừng cũng giảm đi. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ma Ð’rắc được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt việc trồng rừng, với tổng diện tích đến nay hơn 3.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích rừng trồng toàn huyện, nhưng cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, để có tiền tái đầu tư trồng mới sau khai thác.
Bình quân mỗi ha rừng trồng loại tốt, khai thác được từ 60 đến 80 ster đôi (1ster đôi = 1m3 gỗ tròn), sẽ thu được từ 24 đến 32 triệu đồng. Nếu là rừng trồng xấu, sản lượng gỗ chỉ đạt 40 ster đôi, thì chỉ thu được 16 triệu đồng/ha. Với chu kỳ từ năm đến bảy năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu 22 đến 25 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế của rừng trồng mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Hiệu quả kinh tế thấp, bấp bênh về đầu ra, chi phí đầu vào tăng cao trong khi tiềm lực tài chính của các công ty lâm nghiệp đều gặp khó khăn, lại không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nên đành phải “hạn chế” chỉ tiêu trồng mới rừng hằng năm. Cũng vì hiệu quả kinh tế thấp mà người dân không còn mặn mà với trồng rừng liên kết.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông thu hút khoảng 900 hộ của năm xã tham gia trồng rừng, với tổng diện tích hơn 1.100 ha, trong đó gần 600 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Công ty cũng liên kết với khoảng 200 hộ dân ở hai xã Cư Yang và Cư Prông trồng được 1.000 ha rừng tập trung, nhưng do khó khăn về vốn cho nên việc đầu tư phát triển rừng trở nên hạn hẹp. Thay vì đầu tư cho một chu kỳ nếu đạt chuẩn phải khoảng 18 đến 20 triệu đồng/ha, nhưng do thiếu vốn nên đơn vị chỉ đầu tư trong vòng tám đến chín triệu đồng/ha. Vì vậy, rừng đến kỳ khai thác, trữ lượng gỗ không đạt, hiệu quả thấp, bình quân chỉ thu được 15 triệu đồng/ha. Hiện giá gỗ rừng trồng không ổn định, nên khó khăn càng thêm khó khăn.
Giám đốc Công ty Nguyễn Hồng Mạnh chia sẻ, trong những năm qua, việc trồng rừng liên kết của công ty không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Một chu kỳ đầu tư từ năm đến bảy năm, sau khi thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận thu được không đáng kể, nhiều khi còn lỗ. Cái lợi lớn nhất của trồng rừng là giúp chống biến đổi khí hậu, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải tạo môi trường. Nếu chỉ tính đến hiệu quả kinh tế và không có sự hậu thuẫn từ các chương trình, dự án thì khó có doanh nghiệp nào dám đầu tư cho trồng rừng. Do vậy, để thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, tỉnh cần có chính sách đất đai hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; có cơ chế ưu đãi về tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trồng rừng.
Ðắc Lắc hiện có hơn 84 nghìn ha rừng trồng, nếu không tính đến việc đầu tư phát triển nhà máy chế biến lâm sản thì rừng trồng lại tiếp tục rơi vào tình trạng giá cả phập phù, doanh nghiệp lại loay hoay với “bài toán” lỗ – lãi. Do vậy, Ðắc Lắc cần quy hoạch, định hướng, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, có như vậy mới tạo sự ổn định về thị trường, bảo đảm đầu ra cho các đơn vị trồng rừng.
Nói đến đầu tư xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến gỗ tại vùng nguyên liệu, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành Ma Ð’rắc Ðỗ Văn Khương cho biết: Công ty đã đi tìm ngân hàng vay vốn từ hơn nửa năm nay, liên hệ không dưới bảy ngân hàng nhưng vẫn chưa có nơi nào đồng ý cho vay. Nếu không vay được vốn, công ty vẫn phải tổ chức sản xuất trong khả năng của mình. Có điều, việc sản xuất không hết công suất máy móc sẽ khiến chi phí tăng lên, trong khi đó Ma Ð’rắc phải bán gỗ nguyên liệu rừng trồng ra ngoài tỉnh, giá rẻ.
Giám đốc Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” của tỉnh Ðắc Lắc Lương Vĩnh Linh cho biết thêm: Dự án được triển khai tại 60 xã thuộc 22 huyện của các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Ðác Lắc, Ðác Nông, Lâm Ðồng và Phú Yên, với mục tiêu quy hoạch 60 nghìn ha đất lâm nghiệp để trồng rừng thương mại, trồng mới 30 nghìn ha, khoanh nuôi tái sinh 14 nghìn ha… nhưng dự án vẫn không tính đến đầu ra cho sản phẩm rừng trồng thương mại. Chỉ tính riêng ở tỉnh Ðác Lắc, để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có công suất từ 400 nghìn đến 500 nghìn m3 gỗ/năm. Không có nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn, thì đầu ra cho sản phẩm rừng trồng thương mại ở Ðác Lắc vẫn bế tắc và người trồng rừng sẽ còn gặp khó khăn.