Miền Nam lo thiếu điện

ThienNhien.Net – Các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, đang vào cao điểm nắng nóng, có ngày nhiệt độ lên đến 38 độ C, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến ngành điện phải căng mình ứng phó.

Bên cạnh đó, do sản xuất tăng trưởng nóng, nhiều dự án điện chậm tiến độ… cũng là nguyên nhân khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu về điện trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là điện sản xuất.

Căng thẳng

Theo EVN, miền Nam đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ tái diễn thiếu điện do trong năm 2014 chỉ có 2 tổ máy của Nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 đưa vào vận hành với công suất 1.200 MW, các nguồn bổ sung khác hầu như chưa có. Nhu cầu điện sẽ tăng cao trong suốt thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 với mức tăng dự báo khoảng 15%. Trong khi đó, miền Nam không tự cân đối được công suất điện và luôn phải nhận thêm công suất từ miền Bắc và miền Trung. Dự phòng công suất rất thấp, nhiều tháng gần như không có công suất dự phòng và thiếu công suất đỉnh nên tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung – cầu một số thời điểm trong năm.

Công nhân của Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang thi công mới các trạm biến áp nhằm bảo đảm cung cấp điện trong mùa khô 2014 (Ảnh: Tân Tiến/nld.com.vn)
Công nhân của Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang thi công mới các trạm biến áp nhằm bảo đảm cung cấp điện trong mùa khô 2014 (Ảnh: Tân Tiến/nld.com.vn)

Hiện tại, một số tỉnh như Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An đang hoạt động trong tình trạng quá tải điện lưới. Ở Cà Mau, tình trạng thiếu điện đang trầm trọng. Theo Bộ Công Thương, thiếu điện ở Cà Mau không phải thiếu điện cung cấp mà là thiếu hạ tầng. Khu vực miền Tây Nam Bộ ngoài quy hoạch hằng năm còn có chương trình đưa điện về cho đồng bào Khmer nhưng do kinh phí hạn chế nên việc đầu tư đường dây trạm biến thế chưa đáp ứng được mong muốn.

Trong khi đó, nhiều trạm và đường dây 220 KV đang chậm tiến độ như: trạm 220 KV Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh, Hàm Tân, Đức Hòa, cùng với một số trạm đang trong tình trạng đầy tải, tạo sự căng thẳng trong việc bảo đảm cung cấp điện sinh hoạt tại một số khu vực.

Quy hoạch bị phá vỡ

Đối với điện sản xuất, EVN thừa nhận trong những năm gần đây có sự gia tăng mạnh mẽ việc nuôi trồng thủy hải sản, cây trồng xuất khẩu với nhu cầu tiêu thụ điện rất cao. Thống kê của EVN cho thấy ở các tỉnh ven biển phía Nam như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, tổng sản lượng điện tiêu thụ năm 2012 tăng 50,25% so với năm 2011; năm 2013 tăng 49,59% so với năm 2012. Các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có sản lượng điện tiêu thụ phục vụ chong đèn cây thanh long gia tăng với tốc độ rất lớn, cả năm 2012 và 2013 đều tăng trên 22% so với năm trước. “Với nhu cầu lớn và tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, mặc dù ngành điện đã và đang nỗ lực đầu tư công trình điện nhưng chưa thể đáp ứng đủ điện theo yêu cầu của khách hàng trong thời gian hiện tại” – một lãnh đạo của EVN cho biết.

Ngoài nguyên nhân sản xuất tăng nóng gây thiếu điện, theo EVN, việc kiểm soát của các địa phương chưa chặt chẽ đã phá vỡ cả quy hoạch sản xuất nông nghiệp cũng như quy hoạch điện của địa phương. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2015, các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang sẽ có 23.000 ha thanh long, tuy nhiên đến năm 2013, diện tích trồng thanh long thực tế đã trên 25.000 ha. Diện tích nuôi trồng tôm công nghiệp các tỉnh miền Tây theo quy hoạch đến năm 2013 là 96.000 ha nhưng thực tế đã là 105.525 ha. Chính vì thế, các công trình đầu tư theo quy hoạch điện không thể theo kịp tốc độ phát triển nóng của các ngành nên việc cấp điện gặp khó khăn.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Để khắc phục tình trạng trên, EVN cho biết đã chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Nam chủ động bàn với các tỉnh đề nghị ứng vốn, đồng thời làm việc với các ngân hàng đề nghị được vay vốn ưu đãi để ngành điện đầu tư lưới điện phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, một giải pháp cũ nhưng rất quan trọng là các doanh nghiệp, người dân cần sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.

Trước đó, trong tháng 3-2014, EVN đã đưa vào vận hành 2 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhiệt điện Hải Phòng 2 với tổng công suất 922 MW; đưa vào vận hành 48 công trình lưới điện 500 KV – 220 KV – 110 KV với tổng chiều dài đường dây 705 km và tổng công suất trạm biến áp là 1.350 MVA; khởi công 5 công trình lưới điện 500 – 220 KV. EVN cũng yêu cầu Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn vận hành lưới điện cao áp; đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý dứt điểm các vướng mắc để hoàn thành đóng điện trong tháng 4-2014 các công trình lưới điện quan trọng: đường dây 500 KV Quảng Ninh – Mông Dương, Quảng Ninh – Hiệp Hòa, Phú Lâm – Ô Môn, Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, trạm biến áp 500 KV Cầu Bông và các công trình đồng bộ 220 KV giải tỏa công suất… để sẵn sàng vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, bảo đảm cung cấp điện trong quý II với mức dự kiến tăng trưởng phụ tải cả nước từ 9,2%-10,4% so với cùng kỳ.

Cắt 2 đường dây 500 KVEVN vừa thông báo cắt điện 2 đường dây 500 KV Tân Định – Phú Lâm trong 5 ngày liên tục (từ 6 giờ ngày 16 đến 17 giờ ngày 20-4) và Đắk Nông – Phú Lâm trong 4 ngày liên tục (từ 6 giờ ngày 24 đến cuối ngày 27-4) nhằm phục vụ tiến độ thi công đường dây 500 KV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông. Trong thời gian cắt điện, EVN thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho khách hàng tại khu vực miền Nam.

Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), cho biết theo tiến độ các công trình nguồn mới năm 2014, ở miền Nam sẽ phụ thuộc vào nguồn điện từ đường dây 500 KV và từ miền Trung. Vì vậy, dù nguồn điện khó khăn và hệ thống điện vận hành căng thẳng nhưng để bảo đảm cấp điện cho miền Nam, trong năm 2013 và 2014, EVN SPC đã triển khai và hoàn thành nhiều hạng mục, công trình lưới điện. EVN SPC cũng đã chỉ đạo các Công ty Điện lực làm việc với khách hàng về nhu cầu dùng điện, khả năng tiết giảm, huy động nguồn riêng, rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt thép, xi măng…) để dự phòng cho tình huống mất cân đối cung – cầu điện ở miền Nam. Có phương án bảo đảm cấp điện cho các phụ tải ưu tiên trong trường hợp cắt giảm tải theo lệnh điều độ hệ thống điện miền Nam do sự cố hoặc thiếu nguồn.

T.Tiến/nld.com.vn

Khi khẩn cấp sẽ chạy bằng dầu

Phóng viên: Ông có thể đánh giá năng lực cung ứng điện cho mùa khô năm nay của ngành điện?

– Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Hiện EVN đã chuẩn bị sẵn mọi phương án để cung ứng điện cho miền Nam vào mùa khô, cụ thể là đang tập trung hoàn thành đường dây 500 KV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông để chuyển điện từ Pleiku về các tỉnh miền Nam. Đường dây này có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm điện cho miền Nam vì hiện nay một số công trình nguồn phía Nam không thực hiện đúng tiến độ. Nếu hoàn thành, đường dây này sẽ cung cấp thêm khoảng 2.000 MW điện cho miền Nam.

Ngoài ra, EVN cũng cho phát hết công suất các tuabin khí, một loạt các nhà máy thủy điện như Đồng Nai, Thác Mơ… đều có nước do lũ tiểu mãn sắp về nên sẽ bảo đảm cung ứng điện cho khu vực phía Nam. Trong trường hợp đặc biệt, điện khí không cung cấp đủ như sự cố rò rỉ khí ở Nhà máy Điện Cà Mau mới đây thì có thể chạy bằng dầu để phát điện.

Phóng viên: Chạy bằng dầu sẽ mất rất nhiều tiền liệu có ảnh hưởng đến giá thành điện không thưa ông?

– Ông Trần Viết Ngãi: Hệ thống ống dẫn khí PM3 bị rò rỉ hồi tháng 3-2014 ở Cà Mau khiến EVN mỗi ngày mất khoảng 70 tỉ đồng chi phí chạy dầu phát điện cung cấp cho miền Nam. Tuy nhiên, sự cố lớn buộc phải chạy dầu phát điện là không nhiều nên trước mắt chưa lo ảnh hưởng đến giá thành điện.

Phóng viên: Còn việc bảo đảm điện cho sản xuất thì giải quyết ra sao, thưa ông?

– Ông Trần Viết Ngãi: Điện sản xuất đã có quy hoạch phát triển, tuy nhiên hằng năm đều phát sinh những hộ tiêu thụ mới, đặc biệt là những hộ sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp thủy hải sản, cây trồng, các trang trại… Đối với những hộ mới có tốc độ tăng trưởng số lượng lớn, nhu cầu dùng điện cao thì ngành điện khó có thể xoay xở kịp. Giải pháp trước mắt là lắp các đường dây tạm để tải điện về.

Phóng viên: Theo ông, quy hoạch điện cần có sự điều chỉnh thế nào để bắt kịp tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện?

– Ông Trần Viết Ngãi: Quy hoạch điện VII được Chính phủ phê duyệt là bước hỗ trợ trước để ngành điện phát triển, mọi việc đều phải dựa trên quy hoạch đó. Quy hoạch tổng thể đã có nhưng quy hoạch chi tiết thì địa phương cần làm việc trực tiếp với ngành điện để giải quyết những phụ tải phát sinh hằng năm. Đối với những vùng phát sinh nhu cầu điện thì EVN nên chú trọng đầu tư phát triển phụ tải vì thực ra có lợi khi hoàn thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng cung ứng điện.

Thùy Dương/nld.com.vn