Trung Quốc: Báo động ô nhiễm đất trồng

ThienNhien.Net – Khi ô nhiễm không khí trầm trọng tại Trung Quốc chưa được giải quyết thì nay lại đến lượt báo động về ô nhiễm đất trồng ở nước này. Tân Hoa xã ngày 17-4 công bố báo cáo chính thức của Trung Quốc xác nhận 16,1% đất đai bị ô nhiễm, trong đó có 19,4% diện tích đất canh tác.

Báo cáo do Bộ Bảo vệ môi trường và Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc phối hợp thực hiện cho thấy không thể lạc quan về tình trạng chung của đất đai Trung Quốc. Chất lượng đất trồng, đất khai thác công nghiệp đều ô nhiễm trầm trọng. Đây là kết quả dựa trên cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 4-2005 đến tháng 12-2013 với 630km2 đất trên cả nước Trung Quốc, ngoại trừ Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan. Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm do nhiều yếu tố kết hợp trong thời gian dài gây ra. Nhưng nguồn gây ô nhiễm đất chính là hoạt động công nghiệp và nông nghiệp của con người.

Theo ông Trần Đồng Bân, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học và tài nguyên thiên nhiên thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, bản báo cáo trên là “tiếng chuông báo động lớn” đối với hệ thống bảo vệ môi trường và mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Theo ông, so với ô nhiễm không khí và nước, ô nhiễm đất khó kiểm soát và khó có biện pháp khắc phục, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn.

Ảnh minh họa: china.org.cn
Ảnh minh họa: china.org.cn

Ngoài việc giảm chất lượng và số lượng các loại cây trồng dẫn đến đe dọa sức khỏe của người dân khi tiêu thụ, mức độ ô nhiễm đất như vậy cũng có thể dẫn đến nguy cơ sức khỏe cho người dân sống trong khu vực có đất bị ô nhiễm sau khi hít vào hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất gây ô nhiễm. Ô nhiễm đất còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thực vật và vi sinh vật, làm tổn hại chức năng bảo tồn các chất dinh dưỡng của đất. Ngoài ra, các chất gây ô nhiễm có khả năng thấm vào lớp đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Khoảng 82,8% diện tích đất bị ô nhiễm các chất vô cơ và các chất gây ô nhiễm hàng đầu là cadmium, nickel và asen (có nhiều nguy cơ gây ung thư và các bệnh nan y khác). So sánh với mức khảo sát từ năm 1986 đến năm 1990, các chất ô nhiễm vô cơ tăng đáng kể. Ví dụ, mức độ ô nhiễm cadmium tăng 50% ở khu vực Tây Nam và ven biển và tăng từ 10% đến 40% ở các nơi khác.

Khu vực phía Nam Trung Quốc bị ô nhiễm đất nhiều hơn phía Bắc. Nặng nhất là 3 khu công nghiệp lớn gồm khu vực châu thổ sông Dương Tử ở phía Đông, Châu Giang ở phía Nam và khu Đông Bắc từng là trung tâm công nghiệp nặng. Các tỉnh miền Trung và Tây Nam ô nhiễm kim loại nặng trong đất trầm trọng hơn.

Trong những năm qua, nhiều vụ ô nhiễm kim loại nặng đã được phát hiện khắp nơi tại Trung Quốc. Vào tháng 5-2013, nhà chức trách phát hiện lượng lớn vượt mức cho phép chất cadmium, carcinogen trong nhiều sản phẩm liên quan đến gạo tại Quảng Châu. Hầu hết gạo nhiễm độc xuất phát từ tỉnh Hồ Nam.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhóm công tác đặc biệt để soạn thảo luật bảo vệ môi trường đất. Một dự án cải tạo đất sẽ được thực hiện ở những khu vực có đất ô nhiễm nặng nhất. Ngoài ra, còn một cơ chế giám sát chặt chẽ chuyên xử lý các loại rác thải ở các khu công nghiệp và việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Tháng 3-2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã “tuyên chiến” với ô nhiễm và xem đây là cuộc chiến không thua gì cuộc chiến chống đói nghèo.