ThienNhien.Net – Các quỹ đầu tư quốc gia được hậu thuẫn bằng nguồn thu từ khai khoáng và dầu mỏ không phải là hiện thân của một nền quản trị tốt như những người ủng hộ nó từng khẳng định. Nguồn ngân sách này có thể bị thất thoát vào tay các quan chức tham nhũng, theo kết luận của một báo cáo mới.
Các quỹ tài nguyên là quỹ đầu tư quốc gia được hình thành từ nguồn thu của ngành công nghiệp khai khoáng, thường được dự trữ để quản lý các biến động của ngành công nghiệp này, quản lý bền vững nguồn tài nguyên và đầu tư phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, kết luận từ báo cáo mới của Viện Giám sát Nguồn thu (RWI) và Trung tâm Columbia Vale (VCC) cho thấy các quỹ được quản lý yếu kém, không đạt mục tiêu đề ra.
Hiện nay trên thế giới mới có 54 quỹ tài nguyên được thiết lập với tổng ngân sách quản lý 3,5 tỷ USD. Trong đó, phân tích 22 Quỹ tài nguyên ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương ở 18 quốc gia cho thấy gần một nửa số quỹ tài nguyên không minh bạch và rất hạn chế về trách nhiệm giải trình và ít được giám sát bởi xã hội dân sự và báo chí.
Gần một nửa dân số thế giới, bao gồm hai phần ba người dân nghèo nhất toàn cầu sống trong các nước giàu tài nguyên, tuy nhiên quản trị kém và tham nhũng khiến người dân không được hưởng lợi từ nguồn thu khai khoáng.
Một trong những lợi ích của quỹ tài nguyên là có thể mang lại những biện pháp bảo vệ trước các nguy cơ của “căn bệnh Hà Lan”, Andrew Bauer, một nhà phân tích kinh tế, đồng tác giả của báo cáo cho biết. “Căn bệnh Hà Lan” là một hiện tượng kinh tế xảy ra khi sự tăng mạnh nguồn thu tài nguyên có thể tăng giá trị đồng tiền của quốc gia tới mức nó có thể tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn vì khi sản xuất suy giảm, các nước giàu tài nguyên càng trở nên phụ thuộc hơn vào nguồn tài nguyên. |
Trên thực tế, nếu thực hiện thu và chi hiệu quả, đầu tư hợp lý để hạn chế mức rủi ro, có sự minh bạch và giám sát độc lập thì quỹ có thể hoạt động tốt với nguồn lực thấp nhất.
Các tiêu chuẩn này đã được một vài quốc gia đáp ứng, chẳng hạn Ghana. Quỹ này mới chỉ hoạt động được vài năm nhưng được quản lý theo đúng cách thức được mong đợi.
Tuy nhiên, nhiều quỹ tài nguyên đã hoạt động thiếu hiệu quả, xa rời mục tiêu ban đầu. Chẳng hạn, do mạo hiểm và thiếu giám sát, quỹ tài nguyên của Libia đã mất 1,2 tỷ USD sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong khi đó, các quỹ tài nguyên của Botswana, Guinea Xích đạo, Iran, Kuwait, Mexico, Nga và Quatar không cung cấp đủ thông tin về việc phân bổ và giám sát nguồn thu mặc dù tất cả các quốc gia này đã ký Hướng dẫn Tự nguyện về Quản trị tốt quỹ đầu tư quốc gia.
Ngoài ra, các quỹ tài nguyên của Azebaijian, Kazakhtan, Triniđa và Togago, Venezuela cũng thất bại trong mục tiêu tạo cơ chế bình ổn cho nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên của đất nước.
Các quỹ tài nguyên của Amgola, Iran và Nga thì bỏ qua các quy trình ngân sách thông thường và được sử dụng như một phương tiện bảo trợ chính trị.
Theo các chuyên gia, việc thiết lập các quỹ tài nguyên về bản chất sẽ không thể cải thiện quản trị tài nguyên. Thay vào đó, các quỹ tài nguyên nên là các sản phẩm của các quy định tài chính hoặc khung kinh tế vĩ mô chủ trương tiết kiệm nguồn thu từ khoáng sản hoặc dầu khí. Trong đó, điều kiện tối thiểu như mục tiêu rõ ràng, quy định vận hành chặt chẽ, hạn chế rủi ro đầu tư, giám sát hiệu quả, minh bạch phải được đưa vào để cải thiện quản trị tài nguyên.
Báo cáo ra đời đúng vào lúc áp lực đang ngày càng tăng buộc các chính phủ và các công ty khai khoáng công khai về nguồn thu và thuế trong ngành công nghiệp khai thác.