ThienNhien.Net – Dù tuổi cao, sức yếu nhưng thay vì nghỉ ngơi, họ lại đi làm những “chuyện tào lao”, mặc cho con cháu và không ít người xung quanh phản đối, lời ra tiếng vào
Sau lưng Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11, TP HCM) xinh đẹp có một khu dân cư ổ chuột. Những căn nhà lụp xụp, tồi tàn nằm sát con kênh Cầu Mé đen ngòm, hôi thối, chuột gián lúc nhúc… Trong khu phố nghèo bên dòng kênh đen này có một cụ ông đã 75 tuổi nhưng tối ngày vẫn chuyên làm chuyện “bao đồng”.
Nửa đời vớt rác trên kênh
Đến kênh Cầu Mé lúc trời vừa sáng, tôi thấy một cụ ông dáng người gầy gò, làn da cháy nắng, quần áo nhem nhuốc đang lọ mọ dưới nước. Cầm chiếc gậy tre gắn móc sắt, cụ từ từ vớt lên bờ từng chiếc thùng nhựa, bọc ni lông, mớ giẻ rách rồi cả súc vật chết… trôi lềnh bềnh trên dòng kênh đen ngòm và đặc quánh rác thải.
Cứ mỗi lần cụ vớt lên một mớ rác là dòng nước đen sệt lại sôi ùng ục rồi nhẹ nhàng xuôi chảy qua chiếc cống vừa được khơi thông. Lúc đó, tôi thấy đôi mắt già nua của cụ ánh lên niềm vui giản dị.
“Đó là ông Bảy – người chuyên đi vớt rác, thu dọn những gì mà người ta vứt ra kênh để khơi thông dòng chảy. Không chỉ ngày ngày vớt rác, ông còn bỏ tiền xây thành cầu. Trước đây, thành cầu xây cách mặt đất chưa đầy gang tay nên người qua lại rớt xuống kênh thường xuyên. Ông còn trang bị đèn điện để người đi đường khỏi rơi xuống kênh ban đêm. Khu này mà không có ông Bảy, chắc sẽ có nhiều người gặn nạn vì con kênh này đó” – một người dân ở cạnh Cầu Mé cho biết.
Cụ Bảy tên thật là Phạm Văn Tân, nhà nằm trong một con hẻm gần kênh Cầu Mé. Đã sống cả đời ở khu ổ chuột này nên hễ nghe ai nhắc về “thời hoàng kim” của những dòng kênh trong xanh tại thành phố, cụ không khỏi chạnh lòng.
“Trước đây, con kênh nào nước cũng trong xanh, thấy cả cá. Ở kênh Cầu Mé, tụi tôi còn xuống tắm và giặt giũ quần áo. Hồi đó, ghe thuyền bán đồ ăn thức uống còn vào tận nơi này, cảnh mua bán nhộn nhịp. Trên bờ, người ta trồng rau xanh, lấy nước kênh để tưới… Vậy mà, bây giờ ai đi ngang đây cũng phải lấy tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi thối” – cụ tiếc nuối.
Công việc nhếch nhác, dơ dáy, mất thời gian là thế nhưng cụ Bảy kể lại vẫn thấy nhẹ tênh, có cảm giác nó đã ăn vào máu thịt. “Làm việc này nóng vội là không được. Mình phải làm từ từ vì rác đóng thành mảng rất to, phải móc từ dưới lên. Với những tấm nệm lớn, mình phải kéo sát bờ, rồi cắt từng miếng nhỏ trước khi vớt lên. Rác phải vớt lên bờ vài ngày cho khô rồi mới đốt được, mà cần phải đốt vào sáng sớm – khi mọi người còn đang ngủ vì mùi hôi thối bốc lên sẽ khiến họ khó chịu. Đốt rác xong, tui hốt tro bỏ vào thùng nhựa để trồng ớt, bạc hà, mướp… dọc hai bờ kênh để bà con ai có nhu cầu thì đến hái về nấu ăn” – cụ cho biết.
Tôi thắc mắc: “Cụ không thấy khó chịu, không sợ hôi hám sao?”. Cụ Bảy cười: “Làm riết quen rồi nên giờ tui không nghe thấy mùi gì nữa”. Dù nhiều người xung quanh từng lời ra tiếng vào, rằng cụ chỉ làm chuyện “tào lao”, rằng rác trên kênh ngày càng nhiều không thể vớt xuể… song cụ Bảy vẫn không chút nản lòng. “Tui vẫn sẽ tiếp tục vớt rác, khi nào không còn sức thì mới thôi” – cụ khẳng định.
Việc làm của cụ Bảy chỉ xuất phát từ thực tế “thấy rác bẩn thì dọn cho sạch” và “làm việc cho khỏe” như cụ bộc bạch. “Cụ làm vậy có nhận được gì đâu, chỉ mất công, tốn tiền, lại rước khổ vào thân…” – một người dân địa phương thán phục.
Cặm cụi… đi xin
Gần 70 tuổi, thay vì chọn cuộc sống an nhàn, cụ Phạm Hồng Phúc (ngụ hẻm 184 Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM) lại chọn cho mình một công việc vất vả nhưng thanh thản. “Bà Phúc chỉ là một người dân bình thường nhưng rất quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Cách bà giúp đỡ người nghèo cũng rất đặc biệt” – ông Vĩnh Niên – Hội Người cao tuổi quận 3, TP HCM – nhận xét.
Cái “đặc biệt” mà ông Niên nói là cụ Phúc làm điều thiện bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt và rất bình thường. Không ai nhờ, cũng chẳng ai ép nhưng ngày ngày, cụ cặm cụi đi gõ cửa từng nhà để xin quần áo cũ, mùng mền rồi mang về nhà giặt ủi. Rồi cụ xin thêm dầu ăn, tập vở, máy móc cũ… Xin được bao nhiêu về, cụ sắp xếp ngăn nắp để dành đó, chờ đến khi có những cá nhân, gia đình, địa phương nào gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ là cụ giúp.
Không ít lần cụ Phúc bị con cháu phản đối vì “sợ người ngoài nhìn vào lại cười cho”. Bản thân họ cũng không muốn thấy cảnh mẹ mình, bà mình hằng ngày phải vất vả, dầm mưa dãi nắng ngoài đường “làm chuyện bao đồng”. Ngăn mãi không được, con cháu cụ phải chuyển sang ủng hộ, tạo điều kiện chứ không thể làm gì khác.
Đến nay, số tiền cụ Phúc góp nhặt làm việc thiện từ xin đồ cũ về bán đã được hơn 50 triệu đồng. Cụ đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn: Tặng cho các cháu nghèo hiếu học trên địa bàn phường 500 quyển tập, 50 hộp viết chì màu; tặng 52 phần quà cho các cháu nghèo mồ côi nhân dịp tết Trung thu tại chùa Viên Thọ…
Ngoài việc đóng góp tại địa phương, cụ Phúc còn tích lũy những gì mình góp nhặt được mang đi ủng hộ ở Trại Tâm thần tỉnh Bến Tre, các cháu thiếu nhi tại tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bình Phước… với tổng giá trị hơn 47 triệu đồng.
“Số tiền, hiện vật mà cụ Phúc tích cóp giúp đỡ những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn tuy không lớn nhưng nghĩa cử của cụ thật đáng trân trọng” – một cán bộ địa phương bày tỏ.
“Chỉ như hạt cát”Ở phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM có một cụ ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn ngày ngày chăm lo cho người nghèo và bệnh nhân nghèo. Đó là cụ Lê Thị Minh Khuê. Cùng với người chồng là bác sĩ hưu trí, mỗi ngày, vợ chồng cụ điều trị miễn phí cho 3-5 người. Với những bệnh nhân ở xa, cụ sắp xếp, bố trí cả chỗ ăn, chỗ ở để họ và thân nhân tiện sinh hoạt, đi lại trong thời gian điều trị. Ngoài ra, cụ còn góp tiền nuôi 2 học sinh khó khăn trong phường với 1 triệu đồng/cháu. “Chuyện đó chỉ như hạt cát thôi chứ có to tát gì đâu. Chỉ mong việc của mình giúp họ giảm bớt nỗi lo mà gia đình đang gánh chịu” – cụ Khuê tâm sự. |