ThienNhien.Net – Do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cùng với việc quản lý chồng chéo kém hiệu quả, cộng với những thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu, nên các hệ sinh thái vùng bờ đã và đang suy thoái, diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của cơ quan quốc tế về biến đổi khí hậu: Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và thay đổi lượng mưa làm cho hệ sinh thái, sản lượng đánh bắt cá, cơ sở hạ tầng và sinh kế nghề cá dễ bị tổn thương.
Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là khu vực rừng ngập mặn ở Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Định. Đa dạng sinh học vùng bờ và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái vùng bờ bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần thể động thực vật có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông-biển ở vùng cửa sông ven bờ, do mất đến 60% các nơi cư trú tự nhiên.
Khai thác quá mức nguồn lợi
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế nhận xét: Trong 50 năm lại đây, Việt Nam đã bị mất khoảng 80% diện tích rừng ngập mặn. Phong trào nuôi tôm, các dự án phát triển khu công nghiệp và đô thị là một trong những nguyên nhân. Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng là những nơi có diện tích rừng ngập mặn bị mất nhiều nhất.
Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, sau 60 năm (1943-2003), rừng ngập mặn của nước ta đã mất gần 4/5 diện tích. Do suy thoái nên năng suất nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn giảm sút nghiêm trọng, từ 200 kg/ha/vụ năm 1980 đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ; 1 ha rừng ngập mặn trước kia có thể khai thác được 800 kg thủy sản, nhưng hiện chỉ thu được 1/20 so với trước.
Cùng với đó, hiện trạng độ phủ của các rạn san hô đang giảm sút nhanh chóng. Miền Bắc giảm 25-50%. Chỉ còn khoảng 1% các rạn san hô ở miền Nam ở tình trạng tốt. Từ năm 2002, Viện Tài nguyên thế giới đã cảnh báo khoảng 80% rạn san hô ở vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao. Nếu không có hành động tích cực và hiệu quả thì chỉ đến hết năm 2030, biển Việt Nam sẽ trở thành “thủy mạc”, không còn rạn san hô và cũng không còn tôm cá nữa.
Tình trạng trên cũng diễn ra với các hệ sinh thái thảm cỏ biển. Trước thời kỳ 1996-1997, diện tích của 39 bãi cỏ biển là 10.768 ha, đến năm 2003 chỉ còn gần 4.000 ha, nghĩa là đã mất đến 60%. Diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển nói chung cũng bị mất khoảng 60-70%. Có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau, trên 100 loài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm về trữ lượng, sản lượng và kích thước đánh bắt.
Gia tăng chất thải
Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế ở vùng ven biển nước ta tăng mạnh qua các năm, ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cửa sông, ven biển làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển. Mỗi ngày có hàng ngàn tấn chất thải rắn được xả ra biển. Không chỉ rác thải từ các hoạt động công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, nuôi trồng thủy sản, từ các khu công nghiệp ven biển, mà cả rác thải sinh hoạt trên các đảo có dân cư.
Sơ bộ, lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh, thành phố ven biển mỗi năm lên tới 14,03 triệu tấn. Bình quân 1 ha nuôi tôm xả ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng nghìn mét khối nước thải/năm. Riêng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các dải ven biển sơ bộ tính toán vào 2,42 triệu tấn/năm, chiếm tới 50% lượng chất thải rắn công nghiệp trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, sự cố tràn dầu và thải dầu cặn vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, vùng biển ven bờ nước ta rất dễ bị tổn thương về sự cố ô nhiễm do dầu thải, dầu tràn. Ở vùng biển Việt Nam có 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý.