ThienNhien.Net – Chính sách về giao đất giao rừng cần được nghiên cứu chi tiết hơn để không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân miền núi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Đây là một trong nhiều góp ý được đưa ra trong hội thảo khoa học “Vai trò của giao đất giao rừng trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp” diễn ra ngày 16/4 tại Hà Nội do Tổ chức Forrest Trends phối hợp với Viện Quản lý chứng chỉ rừng bền vững (SFMI) tổ chức.
Hội thảo đã bàn đến việc giao đất giao rừng sẽ có tác động như thế nào trong bối cảnh ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi căn bản về thể chế, đặc biệt là việc thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Đáng lưu ý, hiện Việt Nam đang tham gia vào các sáng kiến toàn cầu có liên quan đến thương mại gỗ bền vững như Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) và Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+).
Giao đất giao rừng có vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện việc tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Theo số liệu của Bộ TNMT, tính đến năm 2012, cả nước có 15,4 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó 79% (12,1 triệu ha) đất lâm nghiệp đã được giao cho các đối tượng sử dụng như hộ gia đình và cá nhân, UBND xã, các tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, cộng đồng… Hiện còn 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp vẫn chưa được giao và đang được quản lý bởi UBND cấp xã (2,7 triệu ha) và cộng đồng (0,5 triệu ha).
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhận xét, chính sách giao đất nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trước đổi mới thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, đây là thành tựu rất ấn tượng. Tuy nhiên, chính sách giao đất lâm nghiệp lại chưa có bước đột phá và được thực hiện tốt như chính sách giao đất nông nghiệp. Đây chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Lâm nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần xem xét, cân nhắc và chỉ giao đất, giao rừng cho những người có khả năng quản lý, khai thác, phát triển rừng mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Việc giao đất giao rừng quá chậm gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.