ThienNhien.Net – Canh tác nông nghiệp thiếu bền vững cùng một số hoạt động phát triển khác đã và đang làm cho đất đai ở nhiều khu vực bị suy thoái trầm trọng, giải phóng hàng tỷ tấn các-bon lên bầu khí quyển. Tuy nhiên, theo kết luận của một nghiên cứu mới, chỉ cần nỗ lực cải tạo, đất có thể khôi phục chức năng là bể chứa các-bon, góp phần hiệu quả vào cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Ông Rattan Lal, giám đốc Trung tâm Cô lập và Quản lý Các-bon thuộc trường Đại học bang Ohio (Mỹ) cho biết, đất canh tác trên thế giới đã bị mất đi 50 – 70% khả năng dự trữ các-bon ban đầu. Đa phần trong số đó đều bị ô-xy hóa khi tiếp xúc với không khí, tạo thành CO2.
Thiếu các-bon và các loại vi sinh vật quan trọng, đất sẽ trở nên vô giá trị. Đây là lúc khoa học cần vào cuộc để tìm cách phục hồi những diện tích đất bị thoái hóa, xuống cấp, đưa các-bon trở về với đất. Việc làm này không chỉ giúp bù đắp lượng các-bon bị phát thải trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch mà còn góp phần nuôi sống hơn 7 tỷ người trên Trái đất.
Để làm được điều đó, ông Thomas J. Goreau, nhà sinh địa hóa học, quyền chủ tịch Liên minh Rạn San hô Toàn cầu (GCRA) cho rằng chúng ta cần tìm cơ hội tăng các-bon trong đất ở tất cả các hệ sinh thái, từ những cánh rừng nhiệt đới, đồng cỏ đến những vùng đất ngập nước bằng cách trồng lại cây trên đất bị xuống cấp, tăng lớp phủ sinh khối thay vì đốt hoặc sử dụng than sinh học, quản lý tốt các khu vực đồng cỏ, kiểm soát sạt lở hiệu quả và phục hồi rừng ngập mặn, đầm lầy ngập mặn cùng các trảng cỏ biển.
Bởi theo ông, “CO2 sẽ không thể giảm tới ngưỡng an toàn đủ để giúp con người tránh được những tác động khắc nghiệt dài hạn của khí hậu nếu nồng độ của nó trong bầu khí quyển không được cân bằng”.
Trên thực tế, lượng các-bon lưu trữ trong đất lớn hơn nhiều so với tổng lượng các-bon trong khí quyển và thực vật gộp lại. Cụ thể là trong khi trong đất có tới 2.500 tỷ tấn các-bon thì con số này trong khí quyển chỉ vào khoảng 800 tỷ tấn, còn ở động thực vật là 560 tỷ tấn. Chưa kể, việc lưu trữ các-bon trong đất chỉ đơn giản là đưa các-bon trở về nơi vốn thuộc về nó.
Theo đó, ông Goreau khuyến nghị nên bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm kích thích các chu trình trong đất vốn bị thuốc trừ sâu, trừ cỏ hoặc phân bón gây gián đoạn. Riêng đối với ngành nông – lâm nghiệp thì triển khai các chương trình trồng đa dạng các loại cây sẽ tối ưu trong việc thu giữ các-bon hơn các chương trình độc canh cây trồng.
Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đang xem xét khả năng biến những vùng đất thoái hóa, xuống cấp thành những điểm sản xuất than sinh học, trong khi vẫn duy trì việc hấp thu các-bon vào đất. Ông Goreau tin rằng “những vùng rừng rộng lớn bị chặt phá sẽ là “ứng viên sáng giá” cho các dự án tái trồng rừng sản xuất than sinh học”.
Bên cạnh đó, cần lưu ý phương tiện quan trọng làm nhiệm vụ vận chuyển các-bon vào trong đất chính là nấm rễ. Theo nhà khoa học về đất người Úc Christine Jones, loài cây nào có nấm rễ sẽ vận chuyển được nhiều các-bon vào trong đất hơn 15% so với loài không có nấm rễ. Nấm rễ xâm nhập vào đất tốt hơn so với rễ cây vì sợi của chúng mỏng hơn rễ cây.
Quan trọng hơn, nấm rễ có khả năng sản xuất ra glomalin – một chất đặc biệt giúp đất duy trì được cấu trúc và giữ các-bon trong đất khỏi bị phân hủy trong thời gian dài. Do đó, các nhà quản lý đất đai cần hạn chế tối đa việc làm đất hoặc dùng phân bón, hóa chất, đồng thời nên sử dụng những giống cây trồng phủ đất để bảo vệ glomalin trong đất.
Một số nhà khoa học cho rằng việc áp dụng các tập quán nông nghiệp phục hồi như phủ xanh đất quanh năm hay nông – lâm kết hợp sẽ có thể phục hồi các-bon, giảm lượng CO2 trong khí quyển, đồng thời vẫn thúc đẩy hiệu suất và tăng sự thích nghi của đất trước các thảm họa, thiên tai như lũ lụt, hạn hán…
Ngoài đất rừng, đất nông nghiệp và đất ngập nước, nhiều nhà nghiên cứu còn chú trọng tới đất đồng cỏ, vốn chiếm hơn 1/4 diện tích đất toàn cầu và nắm giữ 20% lượng các-bon trong đất, tuy nhiên đang ngày càng bị suy thoái, nhất là vùng Đại bình nguyên ở Mỹ, phía bắc Mexico, Sahel châu Phi và Mông Cổ.
Giải pháp cho vấn đề này theo ông Seth Itzkan, nhà sáng lập Công ty tư vấn phục hồi sinh thái Planet-TECH, là dựa vào hoạt động chăn thả gia súc. Cụ thể hơn là thả gia súc ra đồng gặm cỏ nhằm kích thích các chu trình sinh học diễn ra trong đất, cùng với đó kiểm soát chặt chẽ số lượng đàn gia súc để đảm bảo rằng mật độ của chúng trên một diện tích nhất định không quá dày. Ngoài ra, phân gia súc cũng góp phần làm tăng độ màu mỡ của đất, tạo điều kiện cho thực vật phát triển, từ đó tăng khả năng lưu trữ các-bon của thực vật cũng như của đất.
Với trình độ hiểu biết hiện tại của con người thì việc phục hồi, lưu trữ các-bon trong đất hoàn toàn có triển vọng. Theo tính toán của ông Rattan Lal Lal thì mỗi năm, loài người có thể lưu trữ được thêm từ 1 – 3 tỷ tấn các-bon, tương đương khoảng 3,5 – 11 tỷ tấn khí thải CO2 nếu sớm bắt tay phục hồi những vùng đất đã bị hoang hóa hoặc xuống cấp.