ThienNhien.Net – Đối với các trường hợp xả thải “bức tử” sông, các nước trên thế giới quyết không nhân nhượng dù có thể khiến doanh nghiệp phải phá sản vì bồi thường.
LTS: Sau vụ Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương (xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) mỗi ngày bơm hàng ngàn mét khối nước thải xuống sông Ðồng Nai thì lại có thêm vụ ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là vụ nhà máy xử lý nước thải chung của Khu chế xuất Linh Trung III (thuộc Công ty Sepzone Linh Trung Việt Nam) lén lút xả tổng cộng 6.400 m3 nước thải có màu đen, hôi thối ra kênh T38… Dường như cách quản trị và xử lý các vi phạm tại các con sông ở Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ và chưa đủ tính răn đe? |
Tại châu Âu, điển hình như CHLB Đức, việc quản lý nguồn nước sông được thực hiện rất chặt chẽ, từ khâu “phòng xả thải” đến khâu xử lý vi phạm. Nguồn nước được giám sát bởi rất nhiều tụ điểm, bao gồm đầu nguồn, giữa nguồn, hạ nguồn. Có con sông xuất hiện đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn điểm giám sát nguồn nước để phát hiện và xử lý kịp thời các mối nguy cơ gây ô nhiễm.
Giám sát nguồn nước chặt chẽ
Ở CHLB Đức, cơ chế giám sát nguồn nước đã bắt đầu thực hiện từ năm 1987 và liên tục được cải thiện, phát triển cho đến nay. Mục tiêu chính của cơ chế này là phát hiện kịp thời các trường hợp ô nhiễm nước do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp.
Ông Eberhard Winkhaus, Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ nguồn nước trực thuộc Cơ quan Bảo vệ môi trường bang North Rhine – Westphalia (gọi tắt là LUA NRW), cho biết: Nguồn nước được cơ quan này giám sát độ an toàn mỗi ngày, thậm chí là mỗi giờ dựa trên hai nguyên tắc: Cải thiện liên tục cấu trúc nguồn nước; giảm tối đa các yếu tố độc hại xâm nhập vào nguồn nước.
Để làm được điều đó, CHLB Đức đã và đang áp dụng hai giải pháp chính. Đầu tiên, chính quyền cho phép và khuyến khích người dân sử dụng các trạm bơm nước an toàn bên bờ sông để sinh hoạt. Người dân tại đây dùng nước trực tiếp dưới sông, xử lý bằng máy và phục vụ việc ăn uống, tắm rửa, trồng trọt… Từ đó, nếu có bất kỳ sự bất thường nào trong nguồn nước, thông qua máy xử lý hoặc thông qua cảm giác khi quan sát, sử dụng, người dân có thể phát hiện, cung cấp thông tin kịp thời về nguồn nước bị ô nhiễm.
Giải pháp đặc hiệu hơn chính là việc lắp đặt hệ thống tuần tra, kiểm tra và giám sát nguồn nước trực tiếp, liên tục. TS Brigitte von Danwitz (chuyên gia môi trường tại Chi cục Bảo vệ thiên nhiên, môi trường và người tiêu dùng bang North Rhine – Westphalia, Đức) chỉ rõ: “Có đến 3.500 trạm đo cơ bản, 250 trạm đo sâu và nhiều trạm đo khác nhằm kiểm tra nguồn nước. Ngoài ra còn có các phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu nước so sánh ở thượng nguồn và hạ nguồn”. Các trạm đo tại các nhánh chính, nhánh phụ của các con sông sẽ nhận khoảng 20.000 mẫu nước/năm từ 2.000 điểm giám sát trên hệ thống 60.000 km sông suối tại bang North Rhine – Westphalia. Thêm vào đó, nước này đưa vào sử dụng con tàu tuần tra Max Prüss hoạt động 230 ngày/năm trên sông Rhine, có khả năng thu thập và lưu trữ các mẫu nước để có thể phát hiện kịp thời, cô lập và xử lý các hiện tượng ô nhiễm, bất thường.
Doanh nghiệp vi phạm có nguy cơ phá sản
Với hệ thống quản lý sông hồ như trên, chính quyền yêu cầu các hộ gia đình có nước thải sinh hoạt, lẫn các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đảm bảo thực hiện hai yêu cầu tối thiểu: Kiểm tra tất cả thông số của mẫu nước; đảm bảo các thông số theo chuẩn trên toàn nước Đức.
TS Brigitte von Danwitz cho biết thêm nếu doanh nghiệp nào vi phạm xả nước thải ra sông suối, ngay lập tức sẽ bị phát hiện. Vì thế, doanh nghiệp không có cơ hội, kẽ hở nào để vi phạm.
“Chưa nói đến mức phạt “trời giáng” lên đến hàng triệu, thậm chí là hàng trăm triệu euro, các doanh nghiệp vi phạm sẽ nhanh chóng có tên trong sổ đen của giới truyền thông và người tiêu dùng. Điều này khiến doanh nghiệp không chỉ mất tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại cho dân, tiền bồi thường chi phí cho người lao động do doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, mà hàng hóa của họ còn bị tẩy chay. Tiền mất lẫn thương hiệu cũng bị hạ thấp đồng nghĩa với doanh nghiệp chỉ còn đường phá sản. Thế nên chẳng ai dại mà chơi đánh cược trong một ván bài chắc chắn 100% sẽ “thân bại danh liệt”” – TS Brigitte von Danwitz nhấn mạnh về cách xử lý của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp xả thải.
Việt Nam xử phạt quá nhẹ tay
Trao đổi bên lề chương trình du khảo sinh thái đại sứ môi trường Bayer tại CHLB Đức (tháng 9-2013), một số chuyên gia về quản lý môi trường, quản trị nguồn nước cho hay họ biết đến Việt Nam với việc ô nhiễm nguồn nước tại đây đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng lẫn người dân.
Trong các năm qua đã có hàng loạt các vụ án gây ô nhiễm nguồn nước của các doanh nghiệp như Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải, Công ty Hào Dương xả chất thải độc hại ra sông Đồng Điền… Về mặt xử lý, các cơ quan chức năng tỏ ra chậm chạp trong việc phát hiện. Điển hình như vụ Vedan vi phạm xả thải thì cả chục năm cơ quan chức năng… mới biết. Còn Công ty Hào Dương thì dù chưa kịp “phá kỷ lục” của Vedan nhưng cũng kịp “ghi tên” ở hạng mục “10 lần bị phát hiện vi phạm” vẫn tái phạm.
Cũng không trách cơ chế giám sát lỏng lẻo cùng mức phạt quá nhẹ tay không đủ răn đe doanh nghiệp. Dù tái phạm nhiều lần nhưng năm 2012 cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt Công ty Hào Dương 340 triệu đồng với nhiều lỗi vi phạm (bao gồm xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần cho phép). Đó là chưa kể các dự án thu gom nước thải trên sông ngòi phải hao tốn nguồn lực lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Bên cạnh những bất cập trong việc xử lý các đối tượng vi phạm thì ngay từ khâu phòng vệ, rõ ràng cơ quan quản lý nguồn nước vẫn mắc bệnh “mất bò mới lo làm chuồng”. Thế nên khi các con sông lần lượt bị “đầu độc” nặng vài ba năm, thậm chí là cả chục năm thì chính quyền mới vào cuộc.
CHLB Đức đã vượt mặt Việt Nam gần 30 năm trong vấn đề quản lý nguồn nước. Trong khi đó, Việt Nam vẫn loay hoay rồi bế tắc trước “cái chết” tức tưởi của sông Thị Vải, sông Đồng Điền… và chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở đó!
Phạt thấp, khả năng tái phạm cao
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ về việc Công ty Hào Dương xả thải, TS Brigitte von Danwitz nhận định mức phạt cao nhất đối với Công ty Hào Dương là 340 triệu đồng, còn mức phạt cao nhất theo luật pháp Việt Nam hiện hành là 500 triệu đồng là quá thấp. Nếu tại Đức, Hào Dương sẽ bị phạt cao gấp nhiều lần, thậm chí bị đóng cửa ngay lập tức trong những lần đầu bị phát hiện gây ô nhiễm. “Có một thực tế là hình phạt càng thấp, càng không đủ sức răn đe thì khả năng tái phạm của doanh nghiệp càng cao. Vì vậy, nếu Luật Bảo vệ môi trường ở Việt Nam chưa đủ sức răn đe thì cần điều chỉnh nhanh chóng để bảo vệ thiên nhiên và người dân” – TS Brigitte von Danwitz nhấn mạnh. |