ThienNhien.Net – “Đối phó với Siêu bão Haiyan (bão số 14 năm 2013) là cuộc tổng diễn tập phòng, chống bão lụt chưa từng có của Quân khu 5”, “May mắn là Haiyan không vào Đà Nẵng”, “Thú thực, ở thời điểm đó chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để đối phó với siêu bão này”… Đó là phát ngôn của các vị có trách nhiệm về phòng, chống bão lụt (PCLB) từ Trung ương đến địa phương tại Hội nghị tổng kết công tác PCLB và TKCN năm 2013 vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng. Vậy trong tương lai nếu xảy ra siêu bão, chúng ta phải làm gì?
Haiyan và cuộc chiến chống siêu bão
Năm 2013, bão xuất hiện sớm và nhiều nhất trong vòng 50 năm qua ở Việt Nam, trong đó có 3 cơn bão trên cấp 12. Thiên tai đã làm 285 người chết và mất tích, 859 người bị thương; 12.185 ngôi nhà bị đổ, sập; 893.435 ngôi nhà bị hư hại, 345.802ha lúa mất trắng… Giá trị thiệt hại vật chất lên tới 28.000 tỷ đồng. Thực tế, thiệt hại đã được giảm bởi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của LLVT, mà theo đánh giá của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị là “nòng cốt của công tác PCLB và TKCN”.
Một điều may mắn cho đất nước ta mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được là sau khi tàn phá Phi-líp-pin, bão Haiyan tiến thẳng vào miền Trung Việt Nam, nhưng rồi đột ngột đi song song dọc bờ biển ra phía Bắc, chỉ đổ bộ một phần ở Hải Phòng và Quảng Ninh khi đã suy yếu. “May mắn là Haiyan không vào Đà Nẵng, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”-Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nói. “Thú thực, lúc đó chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để đối phó với siêu bão này”-Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thừa nhận.
Để thực hiện phương án ứng phó với siêu bão tại Việt Nam, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã đến Phi-líp-pin từ ngày 10 đến 13-3-2014 để khảo sát công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão Haiyan. Theo báo cáo của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Phi-líp-pin và các địa phương, siêu bão Haiyan với vận tốc gió lên tới 320km/giờ (trên cấp 17) đã đổ bộ vào TP Tacloban vào ngày 8-11-2013, đi xuyên qua khu vực miền Trung Phi-líp-pin và ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn gồm 10 tỉnh, 171 chính quyền cấp xã với hơn 16 triệu dân. Theo thống kê, siêu bão đã làm hơn 6000 người chết, gần 1.800 người mất tích, 28.600 người bị thương, hơn 1,1 triệu ngôi nhà, công trình bị hư hỏng. Toàn bộ hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, sân bay bị hư hỏng nghiêm trọng, dừng hoạt động; hệ thống giao thông bị ách tắc. Tổng thiệt hại ước tính 820 triệu USD.
Mặc dù Chính phủ và chính quyền địa phương của Phi-líp-pin đã nỗ lực triển khai phòng tránh, ứng phó với bão Haiyan, nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề, bởi vì siêu bão quá mạnh, vượt tiêu chuẩn thiết kế của các công trình, nhà ở của dân. Tàu thuyền đánh cá bị trôi dạt, mất tích hoặc hư hỏng, trong đó có cả tàu vận tải lớn.
Siêu bão làm nước biển dâng cao hơn 7m, tràn vào đất liền có nơi tới 2km, cuốn trôi nhà cửa, đồ đạc, tàu thuyền và người trên mặt đất, tạo sự va đập, xáo trộn. Đây là tình huống bất ngờ và là nguyên nhân gây thiệt hại nhiều nhất của cơn bão này. Khi bão đổ bộ, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, điện lực bị phá hủy, đường giao thông bị chia cắt, sân bay bị tê liệt, các địa phương vùng thiên tai bị cô lập hoàn toàn, sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và bên ngoài không kịp thời, các lực lượng tại chỗ bị thiệt hại nặng nề, trung tâm y tế không hoạt động được. Vì vậy, số người chết tiếp tục gia tăng sau bão do không được cứu chữa, chăm sóc kịp thời.
Giải pháp ứng phó với siêu bão và vai trò của LLVT
Trong ứng phó siêu bão Haiyan, Việt Nam được Liên hợp quốc có thư khen ngợi về chỉ đạo phòng tránh, ứng phó của Chính phủ và địa phương như: Hướng dẫn hàng chục nghìn tàu thuyền rời khỏi vùng biển bão đi qua, sơ tán dân cư vùng trũng, thấp ven biển, tổ chức chằng néo nhà ở, công trình… Nhưng nếu so sánh với sức tàn phá và nước dâng do bão đã xảy ra tại Phi-líp-pin thì những giải pháp trên là chưa đủ an toàn.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm của Phi-líp-pin, Đoàn công tác đã đề xuất với Ban chỉ đạo PCLB Trung ương một số giải pháp quan trọng để đối phó với siêu bão, trong đó nội dung đáng chú ý là: “Tiếp tục phát huy các điểm mạnh hiện có trong hệ thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam, đặc biệt là sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, sự tham gia chủ lực của lực lượng quân đội các cấp; tăng cường công trình phòng, chống lụt bão như đê biển, khu trú tránh tàu thuyền, khu vực sơ tán nhân dân… đủ sức tránh siêu bão”.
So với Phi-líp-pin, công tác ứng phó với bão của Việt Nam có một số điểm khác biệt. Chúng ta có cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ trước, trong và sau bão. Nếu như ở Phi-líp-pin, lực lượng quân đội không nằm trong sự điều hành của chính quyền địa phương và chỉ được Chính phủ huy động để khắc phục hậu quả, thì ở nước ta, quân đội là lực lượng nòng cốt PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá rất cao vai trò của LLVT, đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong PCLB và TKCN, thể hiện tinh thần trách nhiệm và “kỷ luật thép” đối với tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, LLVT Quân khu 5 là chỗ dựa tin cậy cho thành phố không chỉ trong PCLB, mà cả lúc cháy rừng, sụt lở đất và các sự cố thiên tai bất thường khác. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia TKCN, năm 2013, Bộ Quốc phòng đã điều động 555.310 lượt cán bộ, chiến sĩ; 6.522 lượt phương tiện tham gia chống bão lũ; phối hợp tổ chức TKCN 990 vụ với 1.973 người và 73 phương tiện; kêu gọi 1.094.567 phương tiện với 4.922.216 ngư dân về nơi tránh trú bão an toàn; tham gia di dời 1.555.940 người dân… Quân đội còn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thành công diễn tập thực binh ARDEX 13; chỉ đạo các quân khu giao cho bộ CHQS các tỉnh, thành phố tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt 31 cuộc diễn tập PCLB, cháy rừng và TKCN cấp tỉnh, huyện.
Tuy nhiên, đối với những siêu bão, hoặc những đợt thiên tai lịch sử khó có thể hình dung hết quy mô và mức độ ảnh hưởng, đặc biệt khi gió mạnh kết hợp với nước dâng và mưa lũ lớn, các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu có giải pháp riêng, phù hợp để đối phó.