ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai công tác xử lý chất thải rắn có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tập trung hoàn thành quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn trong năm 2014.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá mô hình quản lý đầu tư, vận hành của 26 dự án xử lý chất thải rắn đã đầu tư xây dựng để tổng kết, đánh giá đề xuất mô hình quản lý hiệu quả. Đối với các dự án xử lý chất thải rắn chưa hoạt động hết công suất thiết kế, nghiên cứu, đề xuất phục vụ phạm vi liên tỉnh để đáp ứng công suất, nâng cao hiệu quả dự án.
Thí điểm mô hình để từ đó nhân rộng
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính, mô hình quản lý đầu tư, vận hành phù hợp cho 1 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 1 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác xử lý chất thải rắn, gắn trách nhiệm của cộng đồng trong vấn đề phân loại rác tại nguồn cũng như ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Xác định công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam
Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện tiêu chí đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn và xác định một số công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đối với các dự án áp dụng công nghệ mới phải tuân thủ các quy trình đánh giá, thẩm định công nghệ theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý chất thải rắn bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các địa phương có quy hoạch quản lý chất thải rắn được phê duyệt, tập trung huy động nguồn lực từng bước triển khai các dự án theo quy hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải không theo quy hoạch nhằm phát huy hiệu quả xử lý chất thải rắn của các dự án.
Theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại đô thị ước khoảng 31.500 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 84% với mô hình phần lớn là các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực môi trường thì đã có nhiều DN tư nhân tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các đô thị.
Hiện nay, biện pháp xử lý chất thải rắn đô thị chủ yếu sử dụng 3 công nghệ chính (chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt). Hiện cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô trên 1.800 ha, nhưng trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977 ha). Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và chiếm diện tích lớn. Cả nước hiện cũng có khoảng 26 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị, trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ đốt, còn lại phần lớn sử dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh kết hợp chôn lấp. Tổng công suất xử lý đạt khoảng 5.000 tấn/ngày. |