ThienNhien.Net – Thông tin giá gạo Thái Lan giảm sâu khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo lẫn người trồng lúa nước nhà lo lắng. Cùng đó, chuyên gia ngành lúa gạo lại cho rằng giá gạo sẽ còn tiếp tục giảm, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lúa gạo châu Á năm nay sẽ rất gay gắt. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thì xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 2 này sẽ đối mặt cực gay gắt với gạo Thái. Vậy, làm gì để hạt gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong “cuộc chiến thương trường”?
Mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2014 sẽ đạt khoảng 6,7 – 7 triệu tấn. Nhưng bước khởi đầu là quý I đã không thuận lợi, do chỉ xuất khẩu được 1,22 triệu tấn. Trong khi đó, “đối thủ nặng kí nhất” của hạt gạo Việt Nam là Thái Lan thì đã xuất khẩu được gần 2 triệu tấn gạo, tăng khoảng 33% so với 1,5 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, quý I vừa qua đối tác nhập khẩu gạo chính của Việt Nam là Trung Quốc (gần 40% ) và Philippines (31%) trong tổng số 1,22 triệu tấn gạo xuất khẩu. Ngay trước mắt, Việt Nam phải tìm cách để thắng Thái Lan nhằm nhận được gói thầu 800.000 tấn gạo 15% tấm của Philippines vào ngày 15-4 tới đây. Theo đó, nếu đưa giá cao, chúng ta sẽ mất thầu, nhưng nếu đưa mức giá thấp, các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ lỗ.
Được biết, trong số các nước xuất khẩu gạo chủ chốt ở châu Á, Thái Lan là nước duy nhất có khả năng xuất khẩu với khối lượng lớn và giá giảm thêm nữa trong năm nay, bởi lượng dự trữ của nước này lên tới khoảng 13-15 triệu tấn quy gạo, chưa kể khoảng 7 triệu tấn nữa đang được bổ sung cho thị trường. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu gạo của Thái Lan năm nay có thể đạt 8,5 triệu tấn và nước này sẽ là “người điều khiển” thị trường gạo thế giới năm 2014.
Như vậy, tình hình của hạt gạo Việt Nam xuất khẩu năm nay quả thực khó khăn. Tính đến hết tháng 3, thu mua tạm trữ được vào khoảng 350.000 tấn quy gạo, đạt 35% kế hoạch. Đáng chú ý là nếu giá lúa vẫn dừng lại như hiện nay (4.200 – 5.000 đồng/kg lúa tươi) thì mục tiêu có lãi 30% của nông dân là không thể đạt được.
Có thể nói, từ chỗ xuất khẩu khó khăn, dẫn đến cái khó sâu hơn cho người trồng lúa, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng chính vì vậy, gần đây nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết chúng ta phải cố gắng vươn lên là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Vì nếu có xuất khẩu nhiều nhưng Nhà nước, doanh nghiệp không lợi lớn; người trồng lúa không lời đủ 30%- thì cũng có nghĩa là mục tiêu không đạt tới. Vì thế, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, năm 2015, chúng ta có thể giảm khoảng 120.000 hecta đất trồng lúa; đồng thời chuyển sang chuyên canh một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, thị trường trong nước tiêu thụ tốt (cụ thể là cây ngô và cây đậu tương).
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nông nghiệp, một trong những nguyên nhân khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với gạo Thái Lan chính là chất lượng gạo. Chúng ta đã trồng quá nhiều giống lúa, trong khi giống lúa chất lượng cao (sản lượng thấp) bán được giá thì lại ít. Ở đây là vấn đề hướng dẫn người nông dân từ cơ quan quản lý là Bộ NNPTNT. Nếu “ai trồng loại lúa gì cũng được” thì cái giá phải trả là đương nhiên. Người nông dân cần được hướng dẫn trồng loại lúa gì tiêu thụ tốt, giá cao chứ không phải là tự lựa chọn một cách may rủi.
Một yếu tố khác khiến hạt gạo Việt Nam thiếu sức mạnh, đó là việc liên kết 4 “nhà” trong nông nghiệp- nói rất nhiều nhưng sự thực thì sự liên kết rất lỏng lẻo. Ông Nguyễn Phượng Vỹ, Cục trưởng Hợp tác xã – Phát triển nông thôn cho rằng, sau một thời gian triển khai nhưng chương trình liên kết 4 “nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) vẫn chưa hiệu quả. Chính vì thế, không tạo nên sức mạnh tổng hợp, cũng như không tăng thêm lợi ích cho chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời cả người trồng lúa lẫn doanh nghiệp đều không an tâm đầu tư, sản xuất.
Đặc biệt nhất là việc hạn chế về thị trường tiêu thụ. Hầu hết hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất thiếu tính bền vững khiến nông dân luôn cảm thấy bất an vì không biết được lúa gạo của mình có tiêu thụ được không, có được giá không, cỡ giá chừng nào.
Đã thế, khi hợp đồng giữa doanh nghiệp- nông dân bị vi phạm, thì không ai đứng ra xử lý, mới dẫn đến việc doanh nghiệp bỏ cả tiền đặt cọc không mua lúa của nông dân khi giá xuống thấp. Sự ràng buộc hai bên là rất lỏng lẻo, có cảm giác như chính quyền đứng ngoài cuộc trong loại hợp đồng này. Chính bản thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng chia sẻ rằng, nông dân làm ra nông sản lãi ít, còn những thành phần khác thu mua thì được lợi nhiều hơn. Nhưng, nếu cứ mãi để người trồng lúa thua thiệt thì thử hỏi làm sao có thể khuyến khích người ta bám ruộng, khuyến khích người ta đầu tư tăng năng suất?
Trong tình thế cạnh tranh gay gắt về xuất khẩu gạo, chúng ta không thể né tránh, mà phải bình tĩnh đối diện, nhưng quan trọng hơn là phải tìm cho ra giải pháp tốt nhất để tăng sức mạnh cho hạt gạo Việt Nam. Mà muốn gạo của chúng ta lên giá, thì phải quay lại vấn đề cốt lõi là đầu tư quyết liệt cho nông nghiệp, cho nông dân. Nếu giá thuốc bảo vệ thực vật, giá phân bón, công cụ nhà nông không giảm mà cứ tăng lên, thì sẽ “ăn lẹm” vào lợi nhuận của người trồng lúa. Nếu doanh nghiệp vẫn cứ tự nhiên phá hợp đồng khi giá lúa xuống thấp thì người nông dân sẽ không an tâm. Nếu họ không được hướng dẫn trồng loại lúa gì thì vẫn là chuyện làm ăn may rủi. Mà như vậy, hạt gạo Việt Nam trên thương trường sẽ vẫn bị lép vế.