ThienNhien.Net – Kể từ ngày nhiều công trình thủy điện mọc lên ở thượng nguồn nhiều dòng sông Quảng Nam, thì vào mùa khô các dòng sông này luôn trơ đáy. Vì thế, thời gian qua Đà Nẵng đòi thủy điện phải trả nước lại cho dòng sông Vu Gia, còn Quảng Nam thì lại yêu cầu đổ nước về sông Thu Bồn. Việc tranh chấp đã kéo dài nhiều năm, kiến nghị đã lên đến Trung ương nhưng vấn đề chưa được giải quyết.
Những dòng sông trơ đáy
Mùa khô nắng gay gắt, dòng sông Vu Gia trơ đáy khiến không chỉ người dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam thiếu nước, mà người dân ở Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn của TP.Đà Nẵng cũng kêu trời. Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Ðà Nẵng, thiệt hại ở hạ du sông Vu Gia lớn hơn 5 đến 10 lần lợi ích kinh tế mà thủy điện Ðăk Mi 4 mang lại. Mỗi năm, nếu 10.000 ha đất trồng lúa ở hạ du bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 30% thì người dân sẽ mất đi số tiền khoảng 200 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại hoa màu, dịch bệnh phát sinh do thiếu và ô nhiễm nguồn nước.
Lãnh đạo Công ty Cấp thoát nước Đà Nẵng cũng cho biết: Nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp đến 90% nước sinh hoạt cho thành phố nhưng mùa khô độ mặn đo được tại khu vực cấp nước cho nhà máy có lúc cao gấp gần 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép, còn nước sông Vu Gia ô nhiễm bùn đất, hóa chất một cách nghiêm trọng. Riêng năm 2013, nhà máy đã phải bỏ ra 13 tỷ đồng để khắc phục tình trạng nhiễm mặn Còn theo ông Võ Văn Điềm, Phó giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, rất có thể vụ hè thu 2014 sắp tới toàn tỉnh sẽ có 10.600ha lúa và 400ha hoa màu bị khô hạn nặng.
Việc tranh chấp, đòi trả nước lại cho sông Vu Gia diễn ra hơn 3 năm qua, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ TN-MT và Bộ Công thương về việc bảo đảm nguồn nước cho vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn, bao gồm TP Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam). Theo đó, TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Ðà Nẵng, còn nói rõ hơn, do thủy điện Đắk Mi 4 đã cắt dòng sông Đắk Mi để phát điện nhưng không trả nước về dòng Vu Gia mà lại đổ về sông Thu Bồn. Chính vì vậy, sông Vu Gia cạn kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt của gần 1,7 triệu dân sống ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên, việc “đòi nước” vẫn chưa ngã ngũ. Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn chưa ban hành.
Đi tìm giải pháp
Tại cuộc họp lấy ý kiến đối với quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn do Bộ TN-MT tổ chức tại Hà Nội ngày 10-4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định “không kiện Bộ TN-MT ra tòa”, nhưng căng thẳng tranh chấp nguồn nước đối với hai dòng sông không vì thế mà hạ nhiệt.
Trước đó, ngày 31-3, lãnh đạo UBND cùng đại diện ban, ngành của Đà Nẵng cũng đã có buổi làm việc với Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện Thủy điện Đăk Mi 4 về tình trạng căng thẳng nguồn nước. Báo cáo của Sở NNPTNT Đà Nẵng tại cuộc họp nêu rõ: Lượng mưa trong mùa mưa trên lưu vực sông Vu Gia Năm 2012 chỉ đạt 40% trung bình nhiều năm và lượng mưa từ đầu năm 2013 đến nay trên lưu vực sông này là không dáng kể. Thời tiết cực đoan cộng với nguyên nhân chính là Thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước về sông Vu Gia như đã cam kết, dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở lưu vực sông này.
Cũng tại cuộc họp giữa các bên ngày 31-3 vừa qua, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NNPTNT Đà Nẵng thẳng thắn cho biết, sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành liên quan buộc Thủy điện Đăk Mi 4 phải trả nước về sông Vu Gia trong mùa kiệt. “Nước Vu Gia phải trả lại Vu Gia”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lại cho rằng, Đăk Mi 4 không nhất thiết phải tạm ngưng phát điện và rằng thủy điện này phải giữ nước lại trong hồ chứa để phục vụ lúa Hè – Thu của tỉnh Quảng Nam: “Tôi đề nghị Đăk Mi 4 tích nước lại để có thể phục vụ cho vụ lúa Hè – Thu. Tôi biết Đà Nẵng rất căng thẳng nhưng Quảng Nam cũng rất căng thẳng. Bắt thủy điện đi giải quyết hạn thay cho ông Trời chắc cũng khó”.
Như vậy, mỗi bên đều có cái lý của mình, nhưng quan trọng là đã không tìm được tiếng nói chung.
Vấn đề vẫn đang tiếp diễn, các ý kiến vẫn không gặp nhau, còn những dòng sông thì vẫn trơ đáy, ruộng đồng bị mặn xâm nhập sâu, người dân khốn khó. Tuy nhiên, nói như ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tại cuộc họp nhiều bên với Bộ TN-MT ngày 10-4, thì dù Đà Nẵng không kiện Bộ TN-MT và cũng chưa có ý định kiện tổ chức cá nhân nào trong vụ việc tranh chấp nguồn nước này, nhưng mọi việc cần phải có giới hạn, đừng để giọt nước làm tràn ly.