Hào nhoáng chỉ một chiếc “áo”
ThienNhien.Net – Để vươn lên trở thành khu kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ, có thể nói người Thanh Hóa, đặc biệt là người dân vùng Tĩnh Gia đã phải trả một cái giá quá đắt. Họ – những người nông dân chân chất, vốn chỉ quen với đồng ruộng, ao hồ thì nay rơi vào bi kịch không đất sản xuất, ngơ ngác khoác lên mình “tấm áo” thị thành.
Bi kịch của những “triệu phú”
Trên con đường thiên lý Bắc – Nam đoạn qua huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, lữ khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một khu đô thị mới, với tất cả sự hào nhoáng của san sát những nhà cao tầng, biệt thự…. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, hẳn đây sẽ là niềm mơ ước của không ít người thế nhưng ẩn sâu bên trong lại là những bi kịch – bi kịch của người người nông dân mất đất “bỗng dưng” trở thành những triệu phú.
Trong căn nhà 2 tầng khá khang trang, nằm quay mặt đường 1A đã bắt đầu ngả màu thời gian, ông Lê Hữu Duyệt, vùng tái định cư Nguyên Bình, thôn Trung Yến, xã Hải Yến ngồi tư lự bên ấm trà đã nguội ngắt, nước thâm xỉn, đóng váng. Thói quen nhìn như đóng đinh ra mặt lộ nườm nượp xe cộ qua lại mà đầu không nghĩ ra được mình phải làm gì đã cố hữu trong ông từ lâu lắm. Năm 2010, theo chủ trương của nhà nước, nhường đất cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, dọn lên đây, hai ông bà trở thành người neo đơn đúng nghĩa. Neo đơn là bởi, nhà có 4 đứa con thì cả bốn đứa đều đã phải bất đắc dĩ phiêu bạt vào tận miền Nam xa tít kiếm ăn. “Ruộng vườn không còn, học hành không đến nơi đến chốn, chú biểu chừ không đi vô trong nớ thì ở nhà biết làm chi để sống.” – ông Duyệt mở đầu câu chuyện bằng chất giọng vừa buồn bã vừa pha chút bất lực.
Rồi ông tiếp lời kể: Để nhường mặt bằng cho dự án Lọc hóa dầu, gia đình ông đã phải dứt ruột rời xa hơn 7 sào đất quanh năm xanh mướt màu lúa, lạc. Cả nhà bảy miệng ăn dắt díu nhau lên đây với số vốn lận lưng hơn 1,7 tỉ đồng tiền đền bù. 1,7 tỉ đồng, một số tiền mà cho dù ông có năm mơ cũng không hình dung ra được. Xây xong căn nhà 2 tầng với tổng giá trị lên đến hơn 500 triệu đồng, ông lập tức “triệu tập” gấp một cuộc họp gia đình để chia số tiền còn lại. 4 đứa con lúc hoàn cảnh gia đình còn nghèo khổ, không có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn nay ông “quyết” cho mỗi đứa 120 triệu gọi là ra vốn cho chúng làm ăn, số chia cho anh em trong nhà gọi là “lộc bất tận hưởng”, còn lại 150 triệu đồng, 2 ông bà bỏ vào ngân hàng, gọi là lấy kế sinh nhai. Đêm đầu tiên trong căn nhà tầng nhớ quê, ông tự an ủi mình: Thôi thì có mất đi phần đất của cho ông để lại nhưng cũng có được số vốn kha khá để lo cho tương lai cho đám con cháu cũng là được, là vui, đằng nào mà chả phải sống. Nhưng bĩ cực thay, cuộc sống ở đây không dễ như ông tưởng. Hễ cứ ló mặt ra đường là tiền. Mớ rau tập tàng ngày trước chỉ cần ra đầu ngõ là hái được thì nay phải mua, con cá, lạc, đỗ: mua… tất tần tật đều phải mua. Số tiền lãi hơn 500 trăm nghìn hàng tháng trở nên quá nhỏ bé trước những khoản chi không tên.
“Đấy là còn chưa nộp hơn 400 triệu tiền đất cho nhà nước đấy chú ạ! Giả sử nhà nước truy thu, đòi nợ thì tui trả cũng còn chưa xong chứ huống chi đến tiền mà sinh sống” – ông Duyệt không giấu được vẻ lo lắng khi nhắc đến món nợ mà gia đình chưa kịp trả.
Tìm hiểu thêm, được biết, không riêng gì gia đình ông Duyệt mà có tới phân nửa trong số gần 2.000 hộ của xã Hải Yến đã di dời lên đây đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn này. Với hầu hết người dân, việc đầu tiên họ làm sau khi lên vùng tái định cư là làm một căn nhà thật khang trang, sau đó là sắm sanh ti vi, xe máy, giường tủ “xịn”, số còn lại thì chia cho con cháu, người biết lo xa thì gửi ngân hàng lấy lãi. Tuy nhiên, với người nông dân đã quen với một nắng hai sương, việc “bỗng dưng” có trong tay một số tiền quá lớn đã khiến tư duy quản lý tiền của họ không tương thích với số tiền có được, nên chỉ trong một thời gian ngắn nhiều người đã rơi vào cảnh túng quẫn, phải bán đi cả những vật dụng đã sắm được để lấy tiền ăn.
“Nhận tiền đền bù đất, nhà nhiều thì nhận được dăm, bảy tỉ, nhà ít cũng ngót nghét tỉ bạc nhưng cũng hết cả rồi. Đó là bi kịch của người nông dân như chúng tôi chú ạ! Cứ đà này, chỉ cần 2 năm nữa thôi, số hộ dân rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở đây sẽ lên đến 70% chứ không ít!” – ông Vũ Phấn, Bí thư chi bộ thôn Trung Yến lo lắng cho tôi hay.
Không lối thoát
Nghe tôi gọi nơi ông đang ở là “làng triệu phú”, ông Bí thư chi bộ thôn cười pha chút cay đắng: “Nhìn vậy thôi chứ bên trong còn chi mô chú!”. Mới năm ngoái đây thôi, ông Phấn đã phải chịu án kỷ luật cảnh cáo trước toàn đảng bộ vì “tội” đôn đốc nhưng bà con trong thôn không chịu nộp tiền đất cho nhà nước. “Tôi cũng đã nhiều lần nói đến “méo” cả miệng nhưng họ không chịu nộp thì tôi ăn thịt được họ à! Thực ra, bây giờ đa số người dân ở đây chỉ còn bám víu vào mấy đồng tiền lãi suất để sống. Nếu nộp hết tiền đất rồi, nhiều nhà cũng không biết lấy gì để ăn nữa!” – ông Phấn phân trần.
Theo ông Phấn thì trước khi lên đây, chính quyền các cấp cũng đã ra sức tuyên truyền khuyến cáo bà con phải biết tiết kiệm và chi tiêu đúng mục đích, có kế hoạch nhưng “bà con cầm tiền như cầm cát ướt trong tay”, không giữ được. Đau xót hơn là nhiều người đã rơi vào bẫy của đám lưu manh rồi thì bài bạc, cũng cá độ bóng đá… nhưng có lẽ điều ông Phấn lo nhất vẫn là tình trạng nghiện hút đang có dấu hiệu gia tăng trong số thanh niên ở làng cũ sắp chuyển lên trong thời gian tới. Cũng theo sự thống kê của ông thì hiện tại, toàn thôn có đến khoảng trên dưới 3 nghìn người trong độ tuổi lao động không có việc làm, hoặc có cũng chỉ là làm theo thời vụ, tạm thời.
“Vậy có cách nào giúp bà con thoát ra khỏi tình trạng này?” – tôi hỏi ông. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên trên về thời gian hỗ trợ lương thực cho bà con trong diện tái định cư nên tăng lên, có thể là lên tới năm 5 để người dân có thời gian và điều kiện ổn định cuộc sống. Đồng thời, phải có cơ chế rõ ràng trong vấn đề tạo công ăn, việc làm cho số lao động dôi dư như hiện nay… tuy nhiên mọi kiến nghị đều chỉ được xem xét ở dạng “xem xét và sẽ đề nghị lên tỉnh, trung ương”.
Đem những khó khăn và cách tháo gỡ giúp bà con tại khu tái định cư xã Hải Yến trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, ông Thủy cũng không giấu được sự trăn trở của mình ông cho biết: Hiện nay giải pháp trước mắt vẫn là đề nghị C.ty giày Săn – dết đóng trên địa bàn thu nhận lao động tại đây và tăng độ tuổi tuyển dụng để tạo điều kiện cho bà con, đặc biệt là số thanh niên có công ăn, việc làm.
“Nếu được lựa chọn lại, không chỉ tôi mà người dân cả xã này sẽ xin được quay trở lại quê cũ. Ở đấy cho dù có nghèo khó một chút nhưng thanh thản và bình yên!” – ông Lê Hữu Duyệt ao ước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều dự án từ quy mô nhỏ, cho tới dự án quy mô lớn với tổng diện tích hàng trăm nghìn m2, đang sử dụng không đúng mục đích; chậm tiến độ hoặc không sử dụng, gây lãng phí tài nguyên. Đơn cử như tại huyện Thọ Xuân; năm 2011, địa phương này đã thu hồi khoảng 19.636 ha đất nông nghiệp thuộc dạng “bờ xôi ruộng mật” để bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Bona Việt Nam. Nhưng đến nay c.ty vẫn chưa đầu tư, đưa vào sử dụng, gần 20.000m2 đất “vàng” bỏ hoang trong nhiều năm, khiến không ít người dân địa phương bức xúc… |