ThienNhien.Net – Tù tội, chết vì ma túy, AIDS… là số phận của nhiều người muốn đổi đời ở bãi vàng. Những người may mắn còn lại thì sống trong dằn vặt, khổ đau.
Gặp nữ bưởng vàng khét tiếng một thời
Ở bãi vàng thôn 8, xã Phước Hiệp (Phước Sơn, Quảng Nam), chúng tôi gặp người đàn bà có tên Sáu Lưu (SN 1960), chủ một quán bán hàng tạp hóa. Bà Sáu vốn là cai vàng có tiếng ở “thánh địa” vàng huyện Phước Sơn.
Trước năm 2001, bà Sáu Lưu được mệnh danh là “nữ tướng” đào vàng, lúc nào trong tay cũng có gần trăm phu vàng.
Bà Sáu Lưu sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hội An (TP. Hội An, Quảng Nam) trong một gia đình nghèo khó, học hành không đến nơi đến chốn. Năm 1986, Sáu Lưu đi cùng người chị chuyên đưa hàng hóa dưới xuôi lên vùng cao bán. Sau đó bà mò vào tận bãi vàng xã Phước Kim, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Thời điểm này ở các bãi vàng có hàng ngàn người ở khắp nơi kéo về tìm kiếm vận may nên việc kiếm tiền dễ như hái lá trên cây. Hàng hóa mua vào một thì bán cho phu vàng giá gấp 10 lần, lợi nhuận đem lại rất cao.
Mưu sinh ở bãi vàng, người con gái phố Hội đem lòng yêu một phu vàng người Bắc và sinh được 3 người con. Đến năm 1990, khi người ta phát hiện ra mỏ vàng ở xã Phước Hiệp, từng đoàn người từ khắp nơi ùn ùn chạy đến khoét núi tìm vàng. Lúc đó, Sáu Lưu chuyển địa điểm về đây kinh doanh. Sau mấy năm buôn bán, có chút tiền trong tay, hai vợ chồng chuyển qua khai thác vàng.
Bà Sáu Lưu kể: “Ngày đó pháp luật chưa nghiêm nên ở bãi vàng ai có tiền là có quyền; ai có máu chém giết thì làm đại ca và ai có sức thì thuê quân đào bới tìm vàng chứ không ai cấm. Thấy đào vàng có tiền hơn buôn bán nên hai vợ chồng tôi bỏ vốn đầu tư khai thác”.
Đứng ra làm chủ bãi vàng, trong tay bà Sáu Lưu lúc nào cũng có ít nhất 50 phu vàng khỏe mạnh. Số người này được nuôi ăn, ở tại bãi. Mỗi khi phát hiện ra mỏ vàng mới, bà Sáu Lưu vung tiền điều quân đến đào bới.
Trong năm 2013, tỉnh Quảng Nam tổ chức 106 lượt tuần tra, truy quét khái thác khoáng sản trên địa bàn. Kết quả đã phá các linh kiện quan trọng của 44 máy múc; phá hủy 411 máy nổ; 373 lán trại; 21.100 lít dầu diezen; 110 lít dầu nhớt; 29 cối xay đá; 38 giàn nén hơi; 17 máy khoan đá; 42 máy bơm nước và 26 máy phát điện. |
“Vàng tìm được nhiều lắm. Có những lúc đào được vàng cục luyện ra cả cây vàng, còn vàng cám chẳng ai thèm ngó. Giữa núi rừng hoang vu, đào hết nơi này thì tìm nơi khác đào”, bà Sáu Lưu cho hay.
Chỉ trong thời gian làm cai vàng, vợ chồng bà có trong tay tiền tỷ. Bà chẳng cất mà đem đầu tư khai vàng, ở trong bãi ai phát hiện ra mỏ mới có trữ lượng lớn thì bỏ tiền ra mua rồi chiếm lĩnh. Còn không thu phục được bằng tiền thì giở luật giang hồ để thâu tóm. Do đó, bao nhiêu mỏ vàng có trữ lượng lớn đều về tay “nữ tướng” Sáu Lưu.
Bà Sáu Lưu tâm sự: “Những năm 2000, trong tay tôi có gần 2 tỷ đồng. Ở huyện này ít người có số tiền nhiều thế”. Tôi ngắt lời bà: Sao bây giờ gia cảnh bà lại ra nông nỗi này? Bà Sáu buồn bã: “Lòng con người mà, có 1 thì muốn 2. Vào năm 2002, có bao nhiêu tiền của, tôi đầu tư mua máy móc để khai thác vàng quy mô lớn. Ai ngờ cơ quan chức năng ra quân xóa bỏ các bãi vàng trái phép. Bao nhiêu may móc đều bị tịch thu”.
Trật tự được thiết lập nhưng bà Sáu Lưu vẫn tiếp tục làm liều. Bà vét sạch tiền của còn sót lại và vay mượn anh em để đánh một quả lớn nhằm vớt vát những gì đã mất. Thế nhưng cơ quan chức năng mạnh tay dẹp bỏ. Bao nhiêu vốn liếng bà nướng vào vàng nhưng không thu lại được đồng nào.
Liên quan đến khai thác vàng trái phép, bà Sáu Lưu dính vào tội vận chuyển chất trái phép xyanua (chất này được sử dụng trong ngành khai thác vàng), bị đi tù 4 năm. Ngày ra tù, tiền của không còn, bà Sáu Lưu đành dựng một căn nhà tạm bợ ngay cạnh bãi vàng để buôn bán kiếm sống qua ngày.
Cai nghiện trong hầm tối
Hơn mười năm trước, nạn khai thác vàng lậu đã thu hút hàng ngàn người khắp nơi đổ về đây lập băng, lập nhóm, đào đãi tìm thứ kim loại quý giá. Từ đó cũng sinh ra lắm tệ nạn xã hội. Cứ 10 người đến bãi vàng thì có 8 người dính ma túy.
Trong vòng cuốn cơn lốc tìm vàng có hàng trăm người dân ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam về đây tìm kiếm vận may. Trong đó có rất nhiều người dính vào ma túy, nhiễm HIV, rồi bị chết.
Chúng tôi về xã Bình Trị nghe lại câu chuyện của những năm về trước. Một người dân bảo: “Đi làm vàng giàu đâu chẳng thấy mà chỉ thấy những cặp vợ chồng tội lắm, chồng chích ma túy và bị nhiễm HIV. Sau đó lây qua vợ, con và cả nhà cùng chết. Có những gia đình cả cha lẫn con dính vào ma túy và chẳng ai sống sót”.
Hỏi về những trường hợp cai nghiện thành công, họ chỉ cho chúng tôi đến nhà Lê Văn Tâm (SN 1976), tên thường gọi là Bi “nghiện”. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm về nhà Bi thì người thân cho hay, sau khi từ bỏ ma túy, Bi vẫn làm việc tại bãi vàng ở Phước Hiệp. Bi là một trong ít người sống sót trong thời điểm cơn lốc vàng gieo đau thương cho vùng quê này.
Vào bãi vàng thôn 8, xã Phước Hiệp, quả đúng như lời người nhà Bi nói, chúng tôi hỏi các phu vàng thì ai cũng biết. Họ chỉ chỗ Bi đang làm việc.
Bi cho hay, từ năm 23 tuổi đã lên đây làm phu vàng và dính vào ma túy. Ban đầu thì hút, sau đó chuyển qua chích. Thời điểm năm 1999 vàng nhiều nên mỗi ngày kiếm được tiền triệu, có hôm trúng mánh thì vài chục triệu đồng, vậy mà ném vào ma túy hết cả.
Vừa kể, Bi đưa cánh tay ra cho chúng tôi xem thì một viết sẹo màu đen chạy dọc theo cánh tay. Bi bảo: “Bảy năm đều đặn đâm kim tiêm vào tay nên giờ để lại hậu quả này, nhưng rất may mình còn sống sót. Đám bạn đi làm vàng cùng thời đó nay đã xanh cỏ hết rồi, có những đứa chết kéo theo vợ còn đi cùng”.
Hỏi về chuyện cai nghiện, Bi chia sẻ: “Chứng kiến bọn nó chết nhiều quá nên mình sợ lắm. Giữa năm 2005, mình ra Đà Nẵng làm xét nghiệm HIV, may mắn là kết quả âm tính. Mình tính, nếu về quê cai nghiện, mỗi khi lên cơn làm khổ mọi người, còn vào trung tâm thì tốn kém, không còn cách nào khác là quay lại bãi vàng tự cai nghiện”.
Phương pháp cai nghiện của Bi thực hiện rất đơn giản. Anh chọn những hầm vàng có độ sâu vài ba chục mét, rồi đu người cùng thức ăn, nước uống. Sau khi đã xuống đáy hầm, Bi nhờ người kéo dây lên, tự nhốt mình trong hầm để cai nghiện.
Những ngày tháng trong hầm Bi lên cơn thèm thuốc nhưng không ra được, phần nữa nghĩ đến bạn bè chết, Bi càng sợ. Cứ nghĩ đến đó, Bi càng nghĩ quyết tâm. Và sau 3 tháng ở trong hầm sâu, cơn thèm thuốc bắt đầu nguôi dần và Bi đã đoạn tuyệt được với ma túy.