ThienNhien.Net – “Vì sao chúng ta cứ để lặp lại đi lặp lại việc thương lái nước ngoài định hướng thị trường, mà định hướng một cách kì dị, nào là mua chân trâu, mua rễ quế, lá khoai lang non, thậm chí cả gián, đỉa… ”
Đó là phát biểu của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) tại phiên giải trình về “Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng 8.4.
Tại phiên giải trình, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới; đặc biệt là những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp để đạt được những mục tiêu phát triển có tính đột phá. Ngoài ra, bà An cũng đặt câu hỏi: “Bộ NNPTNT có chiến lược phối hợp với Bộ Công Thương như thế nào để chặn đứng tình trạng thương lái nội, thương lái ngoại “bắt tay” ăn chặn của người nông dân, thậm chí thao túng thị trường như vừa qua?”.
Trả lời đại biểu An, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định, chiến lược cơ bản nhất là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, để đồng vốn bỏ ra mang lại nhiều hiệu quả hơn cho người nông dân, cho đất nước. Theo đó, giải pháp Bộ đề ra là đưa nông nghiệp đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, triển khai mạnh mẽ mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp)…
“Chúng tôi xác định còn nhiều dư địa để thực hiện việc này. Trong đó, vai trò của KHCN rất lớn, là một trong những khâu then chốt để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông dân với DN để tạo chuỗi liên kết thống nhất từ nuôi trồng đến chế biến, phân phối…” – Bộ trưởng Phát nói.
Về việc phối hợp để ngăn chặn tình trạng thương lái, nhất là thương lái ngoại có dấu hiệu thao túng thị trường nông sản như vừa qua, bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy thị trường trong nước, trong đó có phát triển thị trường thương mại nông thôn; quy hoạch thương nhân thu mua nông sản lúa gạo… Bà Thoa nhấn mạnh: “Tiêu thụ sản phẩm bao giờ cũng phải có khâu trung gian (tức thương lái), nhưng làm sao khâu đó ngắn đi và quản lý được”.
Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Bùi Thị An một lần nữa đứng dậy nói: “Đồng ý là trong cơ chế thị trường sẽ có nhiều loại thương lái, nhưng làm sao để thị trường có nhiều thương lái biết điều, đừng để thương lái ăn chặn, bắt chẹt đủ mọi thứ để người nông dân phải khóc cay đắng”.
“Để diễn ra cảnh nông dân được mùa rớt giá, cần cù hai sương một nắng mà thu nhập vẫn không cao, theo tôi lỗi không hẳn của ngành nông nghiệp mà lỗi ở tổ chức thị trường, của ngành Công Thương. Tôi không hiểu cảm giác của Thứ trưởng thế nào khi thấy một nông dân đứng trước mấy công ruộng bắp cải, nói rằng bán chỉ được 500 đồng/kg mà không ai mua, đổ đi cũng rớt nước mắt?” – bà An không giấu được sự bức xúc, lẫn cả xót xa.
Tiếp tục hướng về đại diện ngành Công Thương, bà An nhấn mạnh rằng: “Vì sao chúng ta cứ để lặp lại đi lặp lại việc thương lái nước ngoài định hướng thị trường, mà định hướng một cách kì dị, nào là mua chân trâu, mua rễ quế, lá khoai lang non, thậm chí cả gián, đỉa… Tôi xin hỏi Thứ trưởng là bao giờ tình trạng này mới chấm dứt? Việc tổ chức thị trường nội – ngoại thế nào để không còn cảnh được mùa mất giá, nông dân khốn khổ?”.
“Mặc dù khâu tổ chức thị trường của chúng ta có cái khó là chuyển từ kín và tĩnh sang mở và động, nhưng như thế mới cần vai trò quản lý của ngành Công Thương chứ. Tôi không thể chấp nhận được câu trả lời rằng tình trạng dưa hấu ùn tắc như hiện nay là do cửa khẩu Tân Thanh hẹp, hay vì quá được mùa. Điều đó không thuyết phục được cử tri, mà ngành Công Thương phải trả lời trước cử tri cả nước về giải pháp khả thi để tổ chức lại thị trường, cử tri và nông dân không thể chờ đến tận năm 2020 mới hoàn thiện…” – đại biểu An nhấn mạnh.