ThienNhien.Net – Tiến gần vào bãi vàng, dòng sông Trà La lại càng đậm đặc sa khoáng, những chỗ vượt qua sông bùn ngập 50 – 70 cm, nước sông đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.
PV Báo NNVN đã nhập vai vào làm việc tại một bãi khai thác vàng ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Ở đây, mỗi ngày có hàng ngàn khối đất đá được đào bới, hàng trăm kg hóa chất được sử dụng trong quá trình khai thác vàng. Không có khu bể xử lý, hồ chứa nên bao nhiêu bùn sa khoáng tuôn thẳng xuống sông.
Dòng sông giãy chết
Trên quốc lộ 14E, chúng tôi dừng chân tại ngã ba Làng Hồi, xã Phước Hiệp (Phước Sơn) và chứng kiến hàng chục người làm nghề chạy xe ôm đang ngồi trên những chiếc xe Win túc trực chở khách ra vào bãi vàng thuộc thôn 8, xã Phước Hiệp, nơi có bãi vàng với trữ lượng tương đối lớn.
Khi thấy chúng tôi dừng lại tại quán nước để mua một ít đồ chuẩn bị cho những ngày ở bãi vàng thì một người chạy xe ôm đến hỏi: Vào bãi nào đó chú em? Tôi trả lời: Bọn em đang đi tìm việc, bãi nào thuê thì làm thôi.
Người chạy xe ôm hỏi tiếp: Đã chạy xe vào đây lần nào chưa mà chú định vượt rừng? Tôi đáp chưa thì lập tức mấy người xe ôm cười: “Các chú ngon quá! Anh khuyên các chú nên thuê bọn anh chở, nếu không thì tai nạn dọc đường chỉ làm khổ người nhà đem xác về, mệt lắm!”.
Không chỉ có cánh xe ôm nói mà bà chủ quán nước ở đây cũng khuyên vậy. Bà còn nói thêm: “Chú đừng tiếc 600.000 đồng thuê xe vào bãi vàng, bỏ ra từng ấy tiền mà bảo toàn tính mạng”.
Rời ngã ba Làng Hồi tầm 3 km, quả đúng như lời người lái xe ôm tên Tuấn nói, cung đường lên dốc, xuống ngầm, ngồi trên xe nhưng không biết mất mạng lúc nào. Dọc đường thì đá lởm chởm, xe cài số một 1 nhưng đi như rùa bò.
Vừa đi Tuấn vừa giới thiệu thêm: “Cung đường này chạy song song với sông Trà La, quanh năm nước đục ngầu, mùi hóa chất bốc nồng nặc do bùn sa khoáng từ các bãi vàng đổ ra. Trên đường vào bãi vàng sẽ vượt qua sông Trà La khoảng 10 chỗ, chú cứ ngồi chắc chắn nhé”.
Tiến gần vào bãi vàng, dòng sông lại càng đậm đặc sa khoáng, những chỗ vượt qua sông bùn ngập 50 – 70 cm, lúc này tôi phải xuống xe để một mình Tuấn rú ga vượt qua, thế mà xe vẫn chết máy.
Tuấn kể rằng, trước khi chưa xảy ra khai thác vàng ở đây, hai bên sông người dân sống nhiều lắm nhưng từ ngày mỏ vàng đi vào hoạt động, nhất là có máy móc hiện đại thì dân làng bỏ chạy hết. Nguồn nước ô nhiễm nên trâu bò, gà vịt… uống phải nước sông cũng lăn đùng ra chết. Người dân chứng kiến tận mắt nên ai cũng sợ bị bệnh, do đó mọi người chuyển đi nơi khác ở. Mỗi đợt mưa lớn, nước dâng tràn vào vườn thì cấy cối cũng chết sạch.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi men theo bờ sông Trà La, cứ mỗi đoạn có một con suối nhập vào dòng sông. Trong đó, có con suối thì nước màu trắng bệch, có con suối chuyển màu vàng, có suối lại đen thui. Tôi gặng hỏi tại sao lại có sự khác biệt như vậy, Tuấn mắng: “Chú mi có bị làm sao không, đi làm vàng mà ngu rứa! Vài ngày nữa vào bãi làm rồi sẽ biết hết”.
Mặc dù tỏ ra khó tính nhưng Tuấn cũng giải thích: “Mỗi khu vực núi ở đây có một loại đất, đá khác nhau, con suối có màu đen tức là khu vực đất đá để đãi vàng có màu đen, còn nơi có đất đá có màu vàng thì quá trình đãi vàng sẽ cho màu nước vàng…”.
Theo quan sát của chúng tôi, lòng sông Trà La rộng khoảng 50 m. Cứ đà khai thác vàng như hiện nay thì sông Trà La mỗi ngày sẽ đổ về xuôi hàng nghìn mét khối sa khoáng. Kèm theo đó là hàng chục kg hóa chất xử lý vàng hòa chung vào dòng nước, môi trường chắc chắn bị hủy diệt.
Ai đầu độc?
Nguyên nhân khiến dòng sông Trà La đang giãy chết không khó lý giải, bởi nơi đây có đến bốn Cty khai thác vàng gồm: Cty CP Khoáng sản S.S.G – Chi nhánh Quảng Nam; Cty TNHH Ngọc Lĩnh; Cty TNHH Hữu Minh và Cty TNHH Nam Mai.
Theo giấy phép thì đến nay chỉ Cty TNHH Nam Mai còn có thời hạn hoạt động, ba Cty còn lại đã hết hạn. Tuy nhiên, vào thời điểm chúng tôi có mặt tại đây thì chỉ có Cty TNHH Hữu Minh ngừng hoạt động SX, còn Cty CP Khoáng sản S.S.G – Chi nhánh Quảng Nam và Cty TNHH Ngọc Lĩnh vẫn khai thác vàng. Nước thải, bùn sa khoáng tuôn đều ra sông.
Ngoài các Cty đang đầu độc dòng Trà La mà chúng tôi nêu trên thì tại bãi vàng thôn 8, xã Phước Hiệp có nhiều điểm khai thác vàng trái phép. Tất cả những bãi này đổ chất thải trực tiếp xuống các con suối và nhập vào sông Trà La. Và cứ thế, mỗi ngày sông Trà La ngộp thở vì bùn sa khoáng cộng với hóa chất chảy về xuôi nhập vào sông Trường, sau đó nhập vào sông Vu Gia tuôn về về hạ du. |
Nhập vai vào Cty TNHH Ngọc Lĩnh (hết phép khai thác từ tháng 9/2013) xin việc làm, chúng tôi ghi nhận được cảnh nhà máy vẫn hoạt động. Khu xử lý chỉ có 3 bể chứa sa khoáng (mỗi bể 50 m2) thì tất cả đã đầy nên sa khoáng chảy trực tiếp ra sông.
Rời Cty Ngọc Lĩnh, chúng tôi theo con suối Nước Trong, nơi Cty CP Khoáng sản S.S.G – Chi nhánh Quảng Nam (hết phép tháng 9/2013) đóng ở đầu con suối. Khác với tên gọi của nó, con suối Nước Trong đang chảy về xuôi với màu nước đen thui. Nguồn nước này sẽ chảy về sông Trà La.
Khi chúng tôi tiếp cận được thì nhà máy đã ngừng hoạt động. Nhưng rất lạ, chúng tôi vẫn thấy nước đen ngòm, hóa chất bốc mùi nồng nặc chảy từ đâu đó xuống suối. Tiếp tục men theo con suối thì ngay lập tức có một nhân viên của Cty ra ngăn cản. Người này nói rằng, Cty hết phép rồi nên không còn hoạt động nữa, các anh vào đây mất đồ ai chịu trách nhiệm? Với lý do đó, anh ta nhất quyết đẩy chúng tôi ra khỏi khu vực của Cty.
Tuy nhiên, chúng tôi xuất trình giấy tờ và giới thiệu là PV thì người này liền bắt bẻ rằng, muốn vào phải có giấp phép của chính quyền địa phương, các ngành chức năng, còn nếu không thì anh ta gọi nhóm người khác đến xử lý ngay.
Muốn tiếp cận chỗ máy móc đang nổ inh ỏi, từng dòng nước đen ngòm chảy ra, nhưng trước sự ngăn cản quyết liệt của nhân viên Cty, chúng tôi không thể xâm nhập được vào khu vực đang khai thác vàng. Sau đó, chúng tôi chỉ ghi được một số hình ảnh rồi rút lui.
Đặc biệt, theo giấy phép hoạt động thì Cty TNHH Nam Mai, diện tích khai thác vàng chỉ có 5 ha (được cấp phép tới năm 2016). Tuy nhiên, qua ghi nhận của chúng tôi, khu vực khai thác của Cty này lên đến hơn 10 ha.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, Cty hoạt động liên tục ngày đêm. Cty có 2 bể chứa bùn sa khoáng nằm bên sông Trà La thì đã đầy và trào ra, do đó bao nhiêu nước thải, sa khoáng đổ trực tiếp xuống sông. Cũng tại một điểm lọc quặng của Cty này có 2 bể chứa nhưng để trống, nguồn nước thải và bùn sa khoáng tuôn trực tiếp xuống sông.