ThienNhien.Net – Quảng Nam có nhiều mỏ vàng như Phước Sơn, Bồng Miêu… với trữ lượng lớn bậc nhất nước ta. Từ nhiều năm trước, dòng người khắp nơi ùn ùn kéo về đây khoét núi tìm vàng. Tất cả đều đối mặt với những trận sập hầm chết người hay bị đối xử tệ bạc…
Lao động bị đánh đập, làm không có lương, ăn uống khổ sở… là chuyện đang xảy ra ở một số bãi vàng ở tỉnh Quảng Nam.
“Anh em ơi, tự do rồi”
Chiều ngày 3/4, người dân thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam hoảng hồn khi chứng kiến gần 100 người đàn ông từ rừng sâu kéo về trung tâm thị trấn hô to: “Anh em ơi, tự do rồi”, “Anh em ơi! Đói cũng về”…
Khi tiếp xúc với đoàn người này mới biết, họ là những công nhân đang làm việc tại Cty TNHH Phước Minh (Cty Phước Minh) chuyên khai thác vàng tại bãi Khe Tăng, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn. Họ lao động cực nhọc nhưng hàng tháng không được Cty trả lương, có một số người bị nợ lương cả năm trời.
Đặc biệt, có nhiều người bỏ trốn liền bị bắt và bị đánh nhừ tử. Không chịu được cảnh áp bức, ngày 3/4 họ đồng loạt vượt rừng tẩu thoát.
“Hàng ngày, bọn em lao động cực lắm, phải chui vào hầm sâu vài trăm mét trong lòng núi. Ở trong hầm tối thui, thiếu khí thở nhưng cũng phải làm việc. Cái chết luôn rình rập. Rứa mà cơm cũng không đủ no. Cuối tháng hỏi lương thì Cty trả lời là nợ đã”, một công nhân nói.
Cũng trong đoàn người kéo ra thị trấn, anh L kể: “Em làm việc không sót ngày nào mà chẳng biết đồng lương là răng. Mới đây có một công nhân do cãi lời nên đã bị cai bãi vàng lấy súng bắn nhưng rất may đạt trượt vào chân, không gây tử vong. Quá bức xúc, chúng em đã rủ nhau bỏ trốn mà trong người không có đồng tiền nào”.
Cuộc chạy trốn được bắt đầu từ sáng sớm ngày 3/4, cả đoàn người cắt rừng đi bộ và đến chiều tối cùng ngày ra đến thị trấn Khâm Đức. Tại đây gần 100 người ngồi nghỉ tại khu vực hồ Mùa Thu để phản đối tình trạng bị áp bức của Cty. Trước sự việc này, lãnh đạo các ngành chức năng huyện Phước Sơn đã đến thăm hỏi tìm hiểu sự việc.
Cùng thời điểm, phía Cty Phước Minh cũng cử đại diện đến và có động thái xoa dịu bằng việc đưa xe đến đón công nhân với lời hứa sẽ đưa họ về quê. Thế nhưng cả đoàn bảo nhau không tin, họ sợ sẽ bị đánh đập và đưa trở lại bãi vàng. Do đó, họ quyết tâm cùng nhau đi bộ về đến Nghệ An.
Sự việc xảy ra, phía Cty Phước Minh đã làm việc với công nhân và đến khoảng 2 giờ ngày 4/4, lãnh đạo đã thỏa thuận với các công nhân và đưa họ về trụ sở Cty tại thị Khâm Đức để công nhân trở lại rừng tiếp tục làm việc, còn một số ít được Cty thuê xe đưa về quê.
Tuy nhiên, khi thấy PV, lãnh đạo Cty vội đưa công nhân vào trong hội trường rồi tắt điện nhằm tránh tiếp xúc với báo chí. Đến sáng cùng ngày, mọi dấu vết của gần 100 người gây xôn xao cả thị trấn Khâm Đức dường như chưa từng xảy ra.
Nói về sự việc trên, đại diện Cty Phước Minh cho rằng, trong số cả trăm công nhân trên chỉ có 30 người của Cty. Và phía Cty không ngược đãi, không bóc lột công nhân như họ trình bày. Do bị lôi kéo, xúi giục và nhận thức thấp nên những người này rủ nhau bỏ việc để đi làm cho chủ khác. Sau khi hai bên có cuộc làm việc thì số công nhân này đã nhận thức được vấn đề và tiếp tục trở lại làm việc.
Trốn chạy khỏi địa ngục
Không chịu được cảnh bị đánh đập, ép lao động cả ngày lẫn đêm tại bãi vàng trái phép, hai phu vàng nhỏ tuổi đã cắt rừng chạy trốn khỏi sự truy bắt của các chủ bãi. Rất may, họ được chính quyền và người dân giúp đỡ và thoát khỏi địa ngục trở về với gia đình.
Đó là trường hợp của em Phạm Văn Hảo (SN 1997) và Phạm Văn Cường (SN 1995) ở thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hơn 2 ngày trời băng rừng vượt suối, hai em tẩu thoát thành công sau hơn một tháng lao động khổ sai tại các bãi đào vàng miền núi Quảng Nam.
Ngày 29/3, các em được cơ quan chức năng đưa về Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chăm sóc. Khi tiếp xúc với PV, các em chưa hết hoảng sợ kể lại khoảng thời gian bị bóc lột tại các bãi vàng trái phép.
Em Hảo kể: “Nhà em thuộc diện nghèo nên học hết cấp 2 đành nghỉ, sau Tết Nguyên đán vừa rồi thì có ông Ánh ở cùng quê đến bảo đi theo ông vào Quảng Nam làm vàng với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ở quê chẳng có việc gì làm ra tiền nên khi nghe ông Ánh rủ thì em cùng với 36 người nữa bắt xe vào bãi vàng xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam làm”.
Sau khi được chăm sóc, sức khỏe ổn định, tinh thần không còn hoảng loạn nên các em xin được về quê. Ngày 6/4, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam đã lo toàn bộ chi phí đi lại, trực tiếp đưa em Cường và Hảo bàn giao lại cho Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, Trung tâm này sẽ làm thủ tục để đưa các em về với gia đình. |
Sau hơn 2 ngày trên xe khách, ngày 19/2/2014, Hảo cùng số người nói trên được đưa vào làm việc tại một bãi vàng trái phép. Tại đây, chủ bãi vàng bắt làm dưới hầm sâu 18 giờ/ngày thế nhưng ăn uống cực khổ, nếu làm trái ý ông chủ thì bị đánh đập nằm liệt giường.
Tiếp lời Hảo, Cường nói: “Ở giữa rừng sâu không lấy đâu ra người thân, chạy trốn cũng khó thoát nên chẳng biết kêu ai. Trong khi không có một đồng dính túi, dù bị đánh đập, bắt làm việc nhiều bọn em cũng phải cố chịu đựng để nhận được đồng lương rồi tìm cách chạy trốn. Rứa mà, sau một tháng chúng em hỏi tiền thì ông chủ không trả tiền. Ông ấy bảo, khi nào hết 6 tháng thì mới trả một lần”.
Công việc nặng nhọc, ăn uống khổ sở, trong khi không được trả tiền, Hảo và Cường tìm cách chạy trốn. Và cuộc vượt rừng đã lọt qua tầm kiểm soát của chủ bãi vàng, hai em ra được thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn.
Tiền không, người thân không có, hai em đang sống bơ vơ thì gặp được một người đàn ông cho ăn uống no nê. Sau đó, người đàn ông nói đi theo về xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh làm vàng. Mỗi ngày chỉ làm 8 giờ đồng hồ, tiền lương trả đầy đủ. Thấy người này ra tay cứu giúp trong lúc khó khăn nên hai em liền tin lời và lên xe vào bãi vàng làm việc.
Ai ngờ, tại đây, công việc cũng chẳng khác gì ở Phước Thành. Hằng ngày, hai em bị chủ bãi bắt xuống hầm đào bới vàng. Làm việc khổ cực, ăn uống kham khổ, có những hôm ốm đau nhưng ông chủ không cho nghỉ, ai cãi lời thì bị đánh đập. Do đó, chiều ngày 27/3/2014, ngoài Hảo và Cường còn có 8 phu vàng khác ăn thật no và lên kế hoạch chạy trốn.
Trong đêm tối, cứ mỗi tốp 2 – 3 người cắt rừng mà chạy. Và sau hai ngày, Hảo và Cường cũng ra đến ngã ba xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước. Tại đây, các em bị chủ bãi vàng bắt và đánh đập bắt quay lại làm việc. Lúc này, người dân địa phương kéo đến hỏi chuyện thì biết sự việc, sau đó họ gọi điện cho công an để can thiệp. Còn 8 người khác thì Hảo và Cường cũng chẳng biết họ có bị bắt hay đã chạy thoát được.