ThienNhien.Net – Vương quốc Anh sẽ chuyển giao cho Việt Nam công cụ mã nguồn mở Calculator 2050, thông qua phần mềm này có thể đánh giá được các dữ liệu về năng lượng và phát thải cũng như hoạch định các chính sách đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Công bố khởi động dự án Calculator 2050” do Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức sáng 4/4.
Theo Tiến sỹ Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội, công cụ hỗ trợ định hướng xây dựng, thực thi chính sách liên quan tới giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (gọi tắt là Calculator 2050) đã được ứng dụng tại nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ… sắp tới sẽ chuyển giao cho Việt Nam là công cụ hữu hiệu để giải quyết các thách thức và giảm phát thải khí nhà kính.
“Việc ứng dụng công cụ này sẽ giúp Việt Nam kiểm soát tốt lượng các-bon gây phát thải nhà kính,” Đại sứ Antony Stokes cho biết.
Ðể thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, phiên bản Calculator 2050 cho Việt Nam sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014 và đây sẽ là một đóng góp quan trọng trong quá trình tìm tòi các hướng đi cho tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo ước tính, trong 10 năm gần đây (2001-2010), các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp khiến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là một phần đáng kể ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và các vùng đất thấp đồng bằng ven biển bị ngập mặn do nước biển dâng; tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng…
Ước tính đến năm 2020, lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành công nghiệp ở Việt Nam là 234 triệu tấn CO2, trong đó nhiều nhất là các ngành sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm.
Để hạn chế lượng khí phát thải, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai chiến lược tăng trưởng xanh trong đó nổi bật nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”…
Bộ cũng yêu cầu các nhà sản xuất đầu tư chiều sâu để cải tạo các thiết bị sẵn có, đồng thời áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tổ chức sắp xếp lại sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế đến mức thấp nhất lượng phát thải CO2, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.