ThienNhien.Net – Trong tháng 6/2014, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thiện dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020.
Đây là một nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng về tình hình, kết quả hoạt động năm 2013 diễn ra sáng 2/4 tại Hà Nội.
Rừng ngập mặn ven biển được coi là một loại rừng xung yếu trong bài toán thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ngày càng bộc lộ rõ đối với thế giới nói chung và Việt Nam với tư cách là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất nói riêng. Từ năm 2009, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ bảo vệ chặt chẽ gần 210.000 ha rừng ngập mặn hiện có, đồng thời trồng lại, bổ sung nâng cao chất lượng rừng 32.870 ha khác, trồng mới 97.554 ha, đưa tổng diện tích rừng ven biển toàn quốc lên 307.295 ha vào năm 2015.
Qua 6 năm thực hiện, diện tích rừng ngập mặn tăng thêm được 15.650 ha – mức khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, song đã góp phần đáng kể trong việc phòng hộ, bảo vệ vùng bờ biển trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Nguyên nhân do chính sách còn nhiều bất cập, nguồn vốn đầu tư còn thấp, chính sách chưa đầy đủ, thiếu nguồn lực và đầu mối khi thực hiện…
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, rõ nét của tình trạng biến đổi khí hậu (nước biển dâng, đặc biệt là tình trạng thiên tai, bão lũ vùng ven biển), Chính phủ chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư, quản lý và bảo vệ loại rừng đặc thù và có chức năng phòng chống thiên tai cao này. Mặt khác, theo Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Luật Bảo vệ phát triển rừng được ban hành gần đây cũng đặt ra những yêu cầu mới trong việc phát triển, bảo vệ rừng ven biển, đa dạng hóa các loại rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay…
Cho ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng, hoàn thiện các nội dung trong Đề án mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý cơ quan xây dựng về các mô hình bảo vệ, phát triển rừng ven biển một cách hiệu quả, khả thi hơn. Đặc biệt là việc phân bổ nguồn vốn cho đề án đảm bảo tính mục tiêu, lồng ghép với các chương trình mục tiêu, dự án tài trợ cùng triển khai.
Cùng với Đề án mới, các cơ quan sẽ xem xét vấn đề quy hoạch tổng thể rừng phòng hộ ven biển toàn quốc và một số chính sách mới về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.
Theo báo cáo tổng hợp chung của Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, công tác bảo vệ, phát triển rừng trong quý I/2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giảm từ 40-80% so với cùng kỳ. Nhờ công tác phân giao kế hoạch sớm, các địa phương chuẩn bị được 247 triệu cây giống, tăng 65%, trồng 9 triệu cây phân tán, tăng 69%, có 12 tỉnh trọng điểm triển khai trồng hơn 11.000 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2013.
Công tác khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản cũng đạt cao với gần 2 triệu m3 rừng trồng, tăng 31%, xuất khẩu lâm sản tăng 11%. Việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng được 206 tỷ đồng, giải ngân cho chủ rừng 1.045 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 đến nay.