ThienNhien.Net – Sáng nay, 3-4, tại thành phố Đà Nẵng Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tổ chức hội thảo “tác động của chính sách phát triển Kinh tế – Xã hội đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng thường xảy ra thiên tai, dân cư trú trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ”.
Theo Hội đồng Dân tộc, miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam trải rộng trên phạm vi ¾ diện tích đất nước, bao gồm 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 19 tỉnh miền núi, vùng cao; 23 tỉnh có miền núi và 10 tỉnh, thành vùng đồng bằng. Đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam ngoại trừ dân tộc Hoa sinh sống ở vùng đô thị, các dân tộc khác chủ yếu sinh sống vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông-lâm nghiệp.
Miền núi, vùng dân tộc thiểu số là nơi có nhiều tài nguyên, có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn và có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái đối với cả nước nhưng đến nay vùng này đã và đang là vùng nghèo, khó khăn nhất nước.
Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ nghèo của nhóm dân tộc thiểu số năm 2008 là 50,3%; năm 2012 tăng lên 66,3% (do có điều chỉnh về chuẩn nghèo). Như vậy, dù đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực giảm nghèo nhưng đến nay vẫn còn hơn một nửa đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam sống dưới ngưỡng nghèo, cao hơn gấp 3 lần với tỉ lệ nghèo chung của cả nước và gấp 5 lần tỉ lệ nghèo của nhóm dân tộc đa số.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do miền núi có địa hình rộng nhưng dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, hạ tầng cơ sở chậm phát triển nên việc giao lưu kinh tế gặp nhiều khó khăn. Ở khu vực miền núi, người dân bị tác động mạnh bởi thiên tai, bão lũ, đặc biệt là lũ quét. Phần lớn dân sống ở vùng núi đời sống còn nhiều khó khăn, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp…
Hàng năm, ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai được bố trí tăng dần lên và có sự ưu tiên đầu tư cho các chương trình mục tiêu ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số… nhưng hiện nay khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hàng năm cướp đi hàng chục mạng người và thiệt hại nặng nề về tài sản. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm giải pháp căng cơ để đồng bào khu vực này có sinh kế bền vững, vươn lên làm chủ cuộc sống là cần thiết.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng nhiều dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều tác động tiêu cực đến Kinh tế – Xã hội, môi trường sinh thái, dân sinh, đời sống văn hóa,… của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 33 dự án thủy điện đã ảnh hưởng đến 3.270 hộ với 14.850 nhân khẩu, trong đó 1.733 hộ dân phải di dời, tái định cư do bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác.