ThienNhien.Net – Ngày 2/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế, hội nghị quốc tế “Hợp tác vì an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực ở các lưu vực sông xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu” đã được tổ chức.
Hội nghị thu hút sự tham gia của 300 đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia đến từ các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan; hai nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Myanmar cũng như của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, nhà tài trợ.
Các chuyên gia, đại biểu đã cùng thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2015 và chương trình nghị sự sau năm 2015; liên kết nước, năng lượng, lương thực ở các lưu vực sông xuyên biên giới; tầm quan trọng của quản lý để thích ứng với biến đổi khí hậu xuyên biên giới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết sông Mekong là tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với các nước ven sông Mekong, là quà tặng của thiên nhiên cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tài nguyên nước rất hữu hạn mà nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế-xã hội ngày càng gia tăng. Thêm vào đó tác động của biến đổi khí hậu cũng làm cho tài nguyên nước bị tổn thương.
Thảo luận tại hội nghị, các chuyên gia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nguồn nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự liên kết, giải quyết các vấn đề liên quan trong mối quan hệ mật thiết với nhau của các vấn đề trên…
Theo ông Fritz Holzwarth, chuyên gia chính sách về nước của Bộ Môi trường, Bảo tồn tự nhiên, Xây dựng và An ninh hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức, cần nghĩ về năng lượng, nước và lương thực như một thể thống nhất các mối quan hệ và đặt nó trong sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách pháp lý, những công cụ hỗ trợ và xem xét chúng thật kỹ lưỡng ở quy mô toàn cầu.
Ông Fritz Holzwarth nhấn mạnh sự kết nối giữa nước, năng lượng và an ninh lương thực cần được sự quan tâm đồng đều. Đó là cách duy nhất để đạt được ba yêu cầu của sự bền vững là quyền tiếp cận, hiệu quả và bền vững cho môi trường.
Các chuyên gia đến từ các lưu vực sông quốc tế đã chia sẻ những vấn đề liên quan như chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu có xem xét mối liên kết nước, năng lượng, lương thực của lưu vực sông Danube; vai trò của các tầng chứa nước ngầm trong phát triển bền vững ở các lưu vực xuyên biên giới – kinh nghiệm từ lưu vực sông Guarani (Brazil); xu thế hợp tác về nước xuyên biên giới đề khắc phục tổn thương do kiến đổi khí hậu tại lưu vực sông Orange Senqu…
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thái Lai cho biết sau 4 năm thực hiện tuyên bố Hủa-Hỉn (Thái Lan), Ủy hội sông Mekong quốc tế đã đạt được một số kết quả quan trọng. Ủy hội sông Mekong quốc tế đã xây dựng được chiến lược phát triển sông Mekong dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; xây dựng được kế hoạch quản lý sông Mekong đến năm 2015; ban hành một số thủ tục đánh giá chất lượng nước.
Việt Nam là thành viên của Ủy hội và đã cùng với các chuyên gia của Ủy hội đưa ra hướng dẫn về việc xây dựng thủy điện theo chuẩn của quốc tế.
Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 3/4.