ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ đang bị “xẻ thịt” nghiêm trọng và các cơ quan chức năng bất lực.
Mới đây, chúng tôi đã có mặt nơi vùng cao bản Nà Đang, cách trung tâm xã Lâm Phú (Lang Chánh, Thanh Hóa) khoảng 12 km, nơi lâm tặc đang ngày đêm tàn sát rừng phòng hộ.
Hàng loạt khu rừng bị “xẻ thịt”
Để đến nơi lâm tặc hạ rừng, chúng tôi thuê một thanh niên ở bản tên L. đưa đến các điểm khai thác.
Trên đường mòn ngược vào Nà Đang, dọc theo hai bên đường rất nhiều thân gỗ lớn có tuổi đời hàng trăm năm. Anh L. nói: Những cây gỗ này còn đứng được vì nằm gần đường, lâm tặc không đụng đến vì sợ bị bắt và cũng để che mắt cơ quan chức năng rằng rừng còn nguyên. Ở trong rừng, lâm tặc tàn phá tan hoang.
Khi vào sâu phía bên trong khu vực rừng phòng hộ khoảng 7 km, hai thanh niên lạ mặt liên tục bám theo chúng tôi và bất ngờ lao lên phía trước chặn đường hỏi: “Đi đâu?”. Chúng tôi nói dối: Vào thăm một người ốm vừa chuyển về bản. Hai người này tiếp tục dò xét, một người răng đen như than, mặt mày bặm trợn buông một câu bâng quơ: “Hôm rồi tao bị kiểm lâm bắt giữ gỗ, định vác dao chém chúng một trận nhưng nghĩ lại làm như thế thì cũng hết đường làm ăn nên thôi”.
Tại khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú, các khu, điểm có nhiều gỗ bị đốn hạ nhất là khu lô 10, dốc Ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy. Những loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là táu, sến, vàng cương, mỡ… Tại khu vực Lán Cháy, nhiều cây vừa bị đốn hạ còn “tứa máu”. Lâm tặc ngang nhiên dùng cưa xăng đốn hạ các loại cây có đường kính từ 25 đến 40 cm. Sau đó chúng cắt ra thành nhiều khúc để dễ bề vận chuyển. Anh L. bảo rằng không hiểu vì sao chúng có thể đi qua hết các chốt trạm nhưng không hề bị xử lý. Rời khu vực Lán Cháy đến khu vực Mè Giàng, tại đây nhiều loại gỗ cũng bị lâm tặc đốn hạ, cắt thành từng hộp rồi sau đó dùng xe máy chở chạy theo đường mòn.
Anh L. giải thích: Lâm tặc thường đi 5-6 người và vận chuyển về đêm để dễ bề uy hiếp lực lượng chức năng hoặc dùng trâu kéo về nhà. Sau đó, gỗ sẽ bị vùi dưới đất hoặc chuyển xuống ao tự tạo, ruộng lúa…
Nhiều gốc cây cổ thụ bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc, một số thân cây lớn nằm nghiêng bên bờ vực chờ người đến lấy, có gốc to hơn vòng tay người ôm. Càng vào sâu, gốc cây bị đốn hạ hiện ra như một công trường khai thác gỗ. Theo anh L., chỉ trước và sau tết có đến hàng trăm cây gỗ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ.
Khác với nhiều nơi khác, ở khu vực Mè Giàng, dốc Ông Viện, Lán Cháy lâm tặc công khai chặt. Nhiều chỗ lâm tặc cắt thành từng hộp và các khúc gỗ tròn chưa kịp chuyển đi nơi khác.
Ngay tại trung tâm bản Nà Đang, chúng tôi dễ dàng thấy những khúc gỗ tròn để sử dụng làm trụ nhà bày tràn lan ra cả đường, kể cả những khúc gỗ có đường kính lớn trên một khu đất rộng.
Kiểm lâm bất lực?
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh, nói: “Có tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở Nà Đang (Lâm Phú). Từ cuối năm 2013 đầu năm 2014, chúng tôi đã tăng cường lực lượng kiểm lâm giám sát địa bàn nhưng không ngăn được. Cuối năm 2013, có những địa điểm lâm tặc khai thác hàng chục mét khối gỗ. Số gỗ này nằm dưới một con khe trên đường vào Nà Đang nhưng không thể mang về hạt để xử lý vì đường đi lại rất khó khăn. Chúng tôi thuê người dân địa phương bốc vác, vận chuyển đưa về hạt nhưng người dân đều từ chối vì sợ lâm tặc trả thù… Chúng tôi chỉ cố gắng hạn chế việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép đến mức thấp nhất. Hạt đã có báo cáo với chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng”.
Ông Lê Tiến Lam, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho hay: “Hiện UBND xã Lâm Phú đã báo cáo về tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Tôi sẽ chỉ đạo các ngành phải nắm rõ các thông tin, đồng thời giao cho kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò ngăn chặn nạn phá rừng. Nếu sự việc vượt quá thẩm quyền, huyện sẽ báo cáo cho cơ quan cấp trên kịp thời phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng tại Lâm Phú”.
Theo ông Lê Quốc Việt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, rừng phòng hộ Sông Lò nằm trên địa bàn hai huyện Quan Sơn, Lang Chánh với tổng diện tích khoảng 10.427 ha. Riêng xã Lâm Phú (Lang Chánh) có khoảng 2.900 ha rừng phòng hộ nhưng lực lượng kiểm lâm trên các địa bàn khá mỏng, khó tránh việc rừng bị khai thác trái phép…
Kiểm lâm bất lực, huyện “đợi nắm tình hình” và rừng phòng hộ có nguy cơ biến mất.
Quan điểm của chi cục là địa phương nào để xảy ra phá rừng thì hạt trưởng phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã chỉ đạo cho kiểm tra ngay các khu điểm có rừng bị đốn để xử lý. Nếu vượt quá khả năng sẽ phối hợp với các đơn vị vào cuộc.
Ông Lê Quốc Việt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa |