ThienNhien.Net – Với hơn 102.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm gần 70% diện tích đất tự nhiên, tháng 3-4 hàng năm luôn được coi là mùa “cao điểm” giữ rừng của huyện Thuận Châu (Sơn La).
Trực 24/24 giờ
Trong phòng làm việc của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, anh Nguyễn Văn Bừng, đang lúi húi bên chiếc máy tính để bàn, tay rê chuột, tìm kiếm những thông tin về cảnh báo cháy rừng trên mạng.
Tôi hỏi: “Nghỉ cuối tuần mà anh không về nhà với gia đình à?”. Anh cười: “Với kiểm lâm Sơn La thì những ngày này là cao điểm nhất trong năm. Trừ trường hợp đặc biệt thì hầu như chẳng kiểm lâm nào được phép vắng mặt ở vị trí công tác được giao. Ngay cả buổi tối, giấc ngủ cũng chập chờn, lo lắm”.
Tháng 3, tháng 4 với vùng cao Sơn La là mùa “cao điểm” giữ rừng. Gió Lào khô rát thổi mạnh, làm khô quắt cả những thân cây tươi tốt nhất. Những bụi tre bên cánh rừng Chiềng Bôm, Chiềng Ly của huyện Thuận Châu rũ lá như vừa bị hơ qua lửa nóng. Dưới chân những cánh rừng, người dân triển khai làm nương ở khắp nơi. Khói, bụi, lá cây, tàn tro… làm cả không gian đặc quánh một màu mù mù, đùng đục như sương sớm, với một cảm giác rất khó chịu.
Với diện tích đất nương lên tới hàng chục ngàn ha, đan xen với diện tích rừng nên vào thời điểm này, khi hoa ban rũ cánh cũng là lúc người dân bước vào vụ làm nương, phát cây, cỏ, đốt rác, tra hạt… Đây cũng là lúc các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn “chạy như cờ lông công” để tuyên truyền, kiểm tra, nắm tình hình, nhắc nhở bà con đốt nương đúng giờ quy định, kiểm tra việc chấp hành mốc chỉ giới rừng-nương rẫy…
Anh Bừng bảo: “Diện tích lớn nhưng cán bộ lại ít nên một số kiểm lâm viên phải kiêm nhiệm 1-2 xã, ngày chạy xe tới cả trăm cây số để quán xuyến địa bàn là chuyện bình thường”.
Nhiều giải pháp giữ rừng
Anh Lỗ Trường Giang – Phó Chánh văn phòng UBND huyện Thuận Châu nhận xét: Năm 2013, chúng tôi đã trồng mới được 678ha rừng, trong đó có 579ha rừng bằng giống cây sơn tra (cây táo mèo), vừa là rừng, vừa là nguồn thu lâu dài nên bà con rất phấn khởi, không chỉ tham gia trồng rừng mà còn chăm sóc, bảo vệ, đạt tỷ lệ cây sống rất cao. |
Thuận Châu hiện còn 72.320ha rừng và hơn 15.500ha rừng khoanh nuôi tái sinh, tỷ lệ độ che phủ rừng cuối năm 2013 đạt 47%. Năm 2014, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng lên 48%. Mục tiêu phấn đấu tuy không lớn lắm nhưng để đạt được 1% độ che phủ của rừng tăng thêm là khó khăn không nhỏ.
Ngay từ đầu năm 2014, Thuận Châu đã tổ chức ký kết giao ước thi đua giữ rừng giữa kiểm lâm với các ban, ngành, đoàn thể; kiểm lâm với xã, xã với các bản, chủ hộ; thành lập các tổ đội phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng; xây dựng phương án trồng rừng. Lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xứ lý các vụ việc vi phạm.
Các xã, bản trong huyện đều được phát tài liệu tuyên truyền bảo vệ rừng. Anh Lò Văn Hặc – dân bản Thôm, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu bảo: “Cứ ngày 3 buổi sáng, trưa, chiều; khi nào loa truyền thanh của bản phát lên là lại nghe thấy thông tin về bảo vệ rừng. Nghe mãi rồi cũng thấy hiểu thêm về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với rừng”.
Còn lão nông Lò Văn Nấm ở bản Bôm, xã Chiềng Bôm cho hay: “Trước đây chỉ cần một khúc củi là có thể chặt ngay 1-2 cây rừng mà chẳng bao giờ nghĩ phải trồng rừng; muốn mở rộng nương lúa, nương ngô là cứ hạ cây, bất kể to hay nhỏ. Bây giờ không ai làm thế nữa.
Người dân còn tham gia trồng rừng rất tích cực. Ở vùng này năm vừa qua còn trồng được mấy chục ha cây sơn tra nữa đấy. Nhà nước bây giờ còn trả tiền bảo vệ rừng với giá cao cho người dân, ai cũng muốn giữ rừng; có thông tin gì nguy hiểm cho rừng như cháy rừng, trộm gỗ… là dân báo cán bộ bản, kiểm lâm viên ngay. Giữ rừng đã đưa vào quy ước của bản hàng năm, là một mục tiêu thi đua của bản rồi đấy” – ông Nấm cho biết.