Vòng luẩn quẩn
ThienNhien.Net – Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay một số tỉnh đã tìm ra được một số mô hình phù hợp, thay thế cho diện tích lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên sản phẩm làm ra người nông dân gặp khó, vì đầu ra không ổn định.
Chuyển cũng chết, không chuyển cũng chết
Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Phú Yên có hàng trăm ha diện tích sản xuất lúa không “ăn” được nước của các hệ thống thủy lợi, chủ yếu trông vào nước trời và nước các sông, suối, rất bấp bênh. Những diện tích nói trên cần phải chuyển sang làm các loại cây trồng cạn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) cho biết: Trong vài ba năm gần đây, ngành nông nghiệp Phú Yên đã khuyến cáo nông dân có ruộng không chủ động được nước tưới, làm lúa không hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn để tránh áp lực về nước tưới, đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất.
Phú Yên có hơn 100 ha phải chuyển đổi, số diện tích này nằm rải đều các địa phương. Theo đó những vùng bán sơn địa chuyển mạnh sang trồng mì (sắn) và mía (hiện trên địa bàn tỉnh này có 22.267 ha mì và 24.703 ha mía).
Mì mấy năm nay có đầu ra khá ổn định, bán được giá nhưng ngặt nỗi cây mì ở Phú Yên đang gặp khó khi lâm phải bệnh chổi rồng, năng suất chỉ đạt khoảng 18 tấn củ tươi/ha; không chỉ vậy, nhiều diện tích mì ở đây đang bị nắng hạn gây chết hàng loạt.
Ví như ở huyện Sông Hinh, những diện tích mì trồng mới không chịu nổi nắng nóng kéo dài suốt 3 tháng qua đang chết hàng loạt, mất gần 100 ha. Trong tổng số 2.200 ha mì trồng mới, nắng hạn kéo dài đã làm hư hại từ 60-80%.
Ông Cao Văn Thu ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh), than thở: “Để cứu 2 ha mì, 3 cha con tui phải dùng máy tưới liên tục trong 6 ngày. Ngoài công lao động của gia đình, tui phải bỏ tiền ra mua 90 lít dầu với số tiền trên 2 triệu đồng. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng như thế này thì trong 15 ngày tới phải tưới thêm 1 đợt nữa nếu không mì chết hết. Với chi phí để cứu mì thế này không biết đến khi thu hoạch có còn cầm được đồng lời nào không”.
Tương tự với cây mì, cây mía của Phú Yên cũng đang lâm tình trạng tương tự, nắng hạn làm cho mía khô lá sớm. Ở huyện Sơn Hòa có gần 185 ha mía chưa kịp thu hoạch đã cháy hết lá, mất năng suất nghiêm trọng. Diện tích mía cháy tập trung ở xã Ea Chà Rang 123,3ha, thị trấn Củng Sơn 21,15ha.
“Dân trồng mía ở Phú Yên không có thói quen lột lá chân nên khi lá bị khô dễ dẫn đến phát hỏa cháy cả đám. Trong thời gian qua có nhiều đám mía đã bị cháy”, ông Nguyễn Văn Phương nói.
Một số vùng người dân thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại rau màu thì lại bí đầu ra. Ví như 600 ha dưa hấu trên địa bàn tỉnh này đang “lâm nạn” vì giá tuột thấp. Hiện giá bán tại ruộng loại dưa giống vỏ dày xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ có 1.500 đ/kg, người trồng lỗ méo mặt.
Ông Phương cho biết thêm: Trồng dưa lãi khá, nếu giá cả ổn định mỗi ha dưa người trồng có thể lãi đến 100 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, khi thu hoạch rộ dưa lại mất giá. Hoặc như cây cà đĩa ở các xã An Mỹ, An Hiệp, An Chấn của huyện Tuy An, tiêu thụ nội tỉnh thì chẳng được bao nhiêu, thu hoạch lên đổ đống không biết bán đi đâu cho hết.
Cây rau ở các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam thuộc huyện Đông Hòa càng khốn đốn hơn. Những địa phương nói trên là vùng đất cát, do đó đất có độ ẩm thấp, chi phí bơm tưới bao giờ cũng cao gấp 2- 3 lần so với đất thịt hay đất bãi bồi ven sông. Trong thời buổi rau rẻ như bèo như hiện nay, người dân trồng rau ở Hòa Hiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tiền bán rau không đủ bù chi phí bơm tưới.
Thêm vào đó, chi phí vật tư nông nghiệp quá cao. Nông dân Trần Lang ở xã Hòa Hiệp Bắc, nhẩm tính: “Mùa này, làm một sào dưa leo, một tháng phải mất ít nhất 150 đến 200 kWh điện để tưới. Mỗi ngày phải tưới 5 lần, một lần vào buổi sáng, ba lần vào buổi trưa, một lần vào buổi chiều thì cây rau mới phát triển được. Chi phí phân, thuốc BVTV cũng tăng cao. Giá rau lại đang rẻ như bèo nên người trồng mất cả công lẫn vốn”.
Ông Nguyễn Văn Phương, cho hay: “Phú Yên có khoảng 20 ha đất đã chuyển đổi sang trồng rau màu các loại. Nếu giá cả ổn định, mỗi năm trồng 2-3 vụ, nông dân có lãi khá. Tuy nhiên, hiện cây ra ở Phú Yên đang bí đầu ra. Ví như HTX rau an toàn Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) ngày thu vài trăm kg thì chỉ bán cho siêu thị Coop-mart chỉ được vài chục kg, còn lại không biết bán đâu cho hết”.
Bài toán khó
Việc chọn lựa các loại cây trồng cạn để thực hiện chủ trương chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa không chủ động nước đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đang là bài toán khó cho ngành chức năng ở đây. Bởi nếu trồng thành công thì lại bí đầu ra. Do đó, nhiều hộ nông dân đã từng thực hiện chuyển đổi từ làm lúa sang trồng các loại cây trồng cạn loay hoay mãi cuối cùng cũng quay lại với cây lúa, chấp nhận cảnh bấp bênh trông chờ ăn nước trời. |
Thực hiện CĐCT, tỉnh Quảng Ngãi chậm hơn so với nhiều tỉnh trong vùng và đến nay cũng chưa rõ nét. Sau khi hội nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bình Đình diễn ra 2011 thì đến năm 2012 Quảng Ngãi mới bắt tay thực hiện.
Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đề nghị các huyện tiến hành CĐCT trên diện tích lúa kém hiệu quả sang hoa màu. Theo đó chuyển đổi đất 2 vụ lúa/năm thường xuyên thiếu nước sang thâm canh 1 vụ lúa và 1 vụ ngô, lạc, vừng. Vụ lúa đông xuân (ĐX) – ngô hè thu (HT); ngô ĐX – lúa HT; lúa ĐX – đậu HT; lúa ĐX – ớt HT…
Theo ông Phạm Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Quảng Ngãi), mấy năm vừa qua, trên địa bàn Quảng Ngãi thời tiết biến đổi liên tục. Ví dụ, vụ này trồng ngô được mùa nhưng sang năm khác hạn hán khốc liệt, năng suất giảm và chưa có vụ nào hoàn hảo, do đó ngành nông nghiệp chưa đánh giá được trồng ngô, đậu… cho lãi cao hơn trồng lúa.
Một trong những mô hình được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất tại Quảng Ngãi là trồng dưa hấu, tuy nhiên cây trồng này chưa chắc ăn. Bởi dưa hấu Quảng Ngãi chủ yếu xuất sang Trung Quốc, năm nào giá bán cao người dân có lãi, còn thương lái mua giá thấp thì lỗ, có những vụ Trung Quốc không mua dưa vứt đầy đồng.
“Để chuyển đổi thành công phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, chẳng hạn vụ này chuyển đổi không thành công thì phải hỗ trợ bà con; hoặc đầu ra sản phẩm bấp bênh thì có chính sách trợ giá. Lúc đó, người nông dân mới vững tâm để canh tác, đằng này mới chuyển đổi được một vụ đã mất mùa; còn được mùa mất giá nên bà con chẳng mặn mà chuyển đổi”, ông Tuân nói.
Hiện Quảng Ngãi chưa có đề án, quy hoạch CĐCT nên bà con tự chuyển đổi là chính, thấy cây nào có hiệu quả thì làm, chứ không chờ sự hướng dẫn của ngành chức năng. Đơn cử như cây ngô được bà con chú trọng, vì ngô không bán được thì cất trữ để sử dụng chăn nuôi, do đó cây ngô đang thay thế dần đất lúa kém hiệu quả.