Việt Nam – Nam Phi hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã đến Nam Phi trong chuyến tham quan học tập kéo dài một tuần về nội dung bảo tồn đa dạng sinh học.

Mục đích của chuyến đi là học hỏi những bài học kinh nghiệm của Nam Phi trong quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý tài nguyên động vật hoang dã và các khu bảo tồn. Chuyến đi còn nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác giữa Nam Phi và Việt nam theo Biên bản ghi nhớ hai quốc gia đã ký kết ngày 10 tháng 12 năm 2012.

Dẫn đầu đoàn đại biểu là Phó Giáo sư Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các thành viên trong đoàn bao gồm đại diện từ các Bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc Hội, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.

Số tê giác bị săn bắt trộm tại Nam Phi đã tăng lên con số 233 tính từ tháng 1/2014 (Ảnh: mnn.com)
Số tê giác bị săn bắt trộm tại Nam Phi đã tăng lên con số 233 tính từ tháng 1/2014 (Ảnh: mnn.com)

Các kiến thức thu nhận được từ chuyến đi sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trong nỗ lực giảm cầu và tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã, đồng thời đảm bảo cơ chế tài chính bền vững và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn. Đây được coi là hai nội dung ưu tiên trong công tác tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Chuyến tham quan học tập được thực hiện vào thời điểm mà công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự sinh tồn của nhiều loài đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều vấn đề như khai thác quá mức, phá hủy môi trường sống, buôn bán tiêu thụ trái phép , biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường Nam Phi, ngày 28/3, Nam Phi và Việt Nam đã có buổi họp tổng kết đạt nhiều kết quả khả quan về các vấn đề liên quan đến quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các cán bộ thuộc Tổng cục Môi trường, Tổng cục Nông-Lâm-Thủy sản, Cục Cảnh sát Nam Phi và SANParks đã cung cấp những thông tin tóm lược cho đoàn đại biểu Việt Nam các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại Nam Phi, đồng thời cung cấp thông tin về các sáng kiến chống săn bắt trái phép tại Vườn quốc gia Kruger, tìm hiểu sâu sát các nghiên cứu và nỗ lực mà khối phi chính phủ tại Nam Phi đang triển khai trong việc ngăn chặn nạn săn trộm tê giác.

Sau các buổi thảo luận, hai bên đã đi đến thống nhất trong việc triển khai Kế hoạch hành động và hỗ trợ Nam Phi trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Theo đó, trong bối cảnh nạn săn trộm tê giác đang tăng nhanh tại Nam Phi nói riêng và Châu Phi nói chung trong một vài năm trở lại đây và vấn nạn này đang đe dọa phá hủy các thành tựu mà các cơ quan bảo tồn đã đạt được trong suốt thế kỷ 20, Nam Phi ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp và nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn săn trộm tê giác và buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

“Chúng tôi rất hoan ngênh đoàn đại biểu của Việt Nam tới Nam Phi để tìm hiểu về công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại Nam Phi đặc biệt là mảng quản lý các khu bảo tồn và động vật hoang dã. Mối quan tâm đặc biệt của đoàn đại biểu là nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong nỗ lực kiểm soát buôn bán trái phép động vật hoang dã bao gồm các loài nguy cấp như tê giác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đã ký về hợp tác trong lĩnh vực Bảo vệ và Bảo tồn đa dạng sinh học thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và các bài học thàn công” – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Ông Nosipho Ngcaba cho biết.

Trong các buổi thảo luận, hai bên đã cân nhắc kỹ lưỡng các hành động cần triển khai đối với từng lĩnh vực cụ thể và đạt được sự đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên.

Tiến sĩ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cũng cho biết “thông qua các buổi thảo luận, chúng tôi đã học hỏi và trao đổi nhiều bài học quý báu như việc quản lý đồng nhất đa dạng sinh học tại Nam Phi, huy động sự tham gia của các đơn vị liên quan cũng như thiết lập các cơ chế quản lý liên ngành để bảo vệ đa dạng sinh học”.

Nam Phi cũng đã nhận lời mời của Việt Nam tới thăm Việt Nam vào cuối năm nay để tìm hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động đến tình hình buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã tại đây. Sau đó, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng các tài liệu nhằm nâng cao nhận thức, đặc biệt là cho giới trẻ về vấn đề này tại cả hai quốc gia.

Theo Tổng cục Môi trường Nam Phi, chuyến công du diễn ra tại thời điểm số tê giác bị săn bắt trộm tại Nam Phi đã tăng lên con số 233 tính từ tháng 1/2014 và 54 kẻ săn trộm thuộc diện tình nghi đã bị bắt giữ.