ThienNhien.Net – Theo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), giá bán than cho điện được điều chỉnh tăng từ ngày 1-1-2014 với mức tăng từ 4- 10% tùy từng loại than đã đủ bù chi phí sản xuất. Tuy nhiên, phản ảnh từ nhiều nhà máy nhiệt điện, việc tăng giá than đã đẩy chi phí sản xuất điện lên cao, sẽ tác động đến giá điện trong thời gian tới.
Giá than tăng tác động đến giá điện
Theo đại diện Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), giá than bán cho ngành điện trong thời điểm hiện nay đã đủ bù chi phí sản xuất, tập đoàn không phải bù lỗ nữa sau lần điều chỉnh theo giá thị trường từ ngày 1-1-2014.
Như vậy, theo đúng nguyện vọng của Vinacomin, giá bán than cho điện đã được điều chỉnh và giúp cho Tập đoàn này “không phải bù lỗ”, bởi trước đó, “ông lớn” này liên tục kiến nghị được tăng giá than bán cho ngành điện để bù đắp giá thành.
Ngược lại với tình hình thuận lợi, “xuôi chèo mát mái” của Vinacomin, ngành điện lại đau đầu vì gần đây các nhà máy nhiệt điện đang than thở vì tình trạng phải tăng chi phí mua than cho sản xuất điện.
Theo tính toán giới chuyên gia, giá than chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất điện của một nhà máy nhiệt điện. Do đó, giá bán than cho điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện.
Bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã từng khẳng định, giá điện phụ thuộc nhiều vào giá than. Bởi vậy, nếu như giá than năm 2014 được tính theo giá thị trường, giá điện cũng phải căn cứ vào đó để tính.
Với những động thái nói trên, những lo ngại của dư luận về việc giá điện bị tác động bởi giá than, sẽ có điều chỉnh là hoàn toàn có cơ sở.
Minh bạch – yếu tố tiên quyết phát triển thị trường điện
Dù vậy, theo khẳng định của Cục phó Cục Điều tiết điện lực, ông Đinh Thế Phúc tại một buổi hội thảo liên quan đến vấn đề thị trường điện diễn ra mới đây, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa có đề xuất gì đối với việc có điều chỉnh giá điện trong thời gian tới hay không. Tuy nhiên, ông Phúc cũng khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sẽ tiếp tục theo hướng tiệm cận với giá thị trường trong thời gian tới.
Thêm nữa, theo đánh giá của ông T.Kirkeby Garstad, một chuyên gia đến từ Na Uy, giá điện ở Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với thế giới. Đây là lý do khiến cho người dân Việt Nam, các DN sản xuất và kinh doanh vẫn chưa có ý thức tiết kiệm điện năng.
“Đến các công sở, phòng họp không có người nhưng điện vẫn sáng, điều hòa vẫn chạy, máy tính vẫn bật. Còn tại nhiều DN, công ty, máy móc thiết bị lạc hậu tiêu tốn điện năng lớn” – ông T.Kirkeby Garstad nhận định và nhấn mạnh, nếu Việt Nam không bao cấp giá điện, người dân sẽ tự ý thức được phải sử dụng tiết kiệm điện, DN sẽ tự ý thức phải đổi mới công nghệ, phương tiện sản xuất để giảm chi phí đầu vào.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan ngại, việc lãng phí điện năng nếu tiếp tục không có giải pháp ngăn chặn sẽ có nguy cơ lây lan trên diện rộng, điều này không những ảnh hưởng đến bản thân người tiêu dùng, do phải tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ mục tiêu phát triển thị trường điện ở Việt Nam, cũng như gây nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia. Theo vị chuyên gia này, giá điện tại thị trường Việt Nam thấp sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực, nên khó có thị trường bán lẻ – bán buôn cạnh tranh.
Song, việc gì cũng có tính hai mặt của nó. Câu chuyện về giá điện thường xuyên gây những bất đồng trong dư luận mỗi khi có thông tin ngành điện sẽ điều chỉnh tăng, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ chính bản thân ngành điện.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nếu ngành điện hoạt động minh bạch hơn, công khai hơn thì người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua điện vì tính hợp lý của nó. Song, những yếu tố công khai, minh bạch dường như vẫn chưa được ngành này thực thi một cách sòng phẳng với người tiêu dùng. Đây chính là lý do khiến cho dư luận thường lên tiếng bày tỏ sự bất bình mỗi lần giá điện được điều chỉnh tăng.
Nói về vấn đề giá điện hiện nay cũng như những yếu tố liên quan đến sự phát triển của thị trường điện ở Việt Nam, ông Per Lund, chuyên gia nước ngoài tư vấn về công nghiệp điện cũng cho rằng, Việt Nam đang thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh và tiến tới xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh. Song, để đạt được những bước đi này thì yếu tố quan trọng nhất chính là sự công khai, minh bạch trong các yếu tố hình thành về giá điện.