Cuộc chiến giữa mặn và ngọt
ThienNhien.Net – Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đang làm thiệt hại lớn cho nông dân trồng lúa, trong khi nhà nước cũng đang rất nỗ lực dành các nguồn vốn đầu tư hệ thống thủy lợi để trữ ngọt ngăn mặn kịp thời bảo vệ sản xuất. Nhưng một số nơi ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau người dân lại thi nhau lấy nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm. Vì sinh kế nên đã xảy ra xung đột trong quy hoạch vùng ngọt và mặn ở các địa phương này.
Đòi phá cống ngăn mặn để nuôi tôm
Anh Nguyễn Tấn Anh, Phó trưởng Trạm Thủy lợi huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đưa chúng tôi thăm vùng nước mặn xâm thực mạnh nhất ở xã Khánh Tiến đang làm cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Phần lớn các tuyến đê sông, đê biển ở đây đều được đắp bằng đất, nên mùa biển động các tuyến đê này thường bị sạt lở. Riêng kinh phí hàng năm mà tỉnh, huyện bỏ ra đâu tư nạo vét, giá cố là rất lớn nhưng cũng không chống chọi được lâu trước sức tàn phá của thiên nhiên.
Anh Tấn Anh cho biết cuộc sống của người dân ở vùng này còn nghèo lắm, năm sản xuất hai vụ lúa nhưng vẫn chẳng dư giả. Mùa mưa bão thì nước ngập trắng đồng, mùa khô hạn thì nước mặn xâm thực, thiếu nước sinh hoạt. Chính vì sự nghèo khó như thế mà người dân ở đây muốn được lấy nước mặn vào nuôi tôm trong mùa khô để sinh kế được đảm bảo.
Anh Đinh Tấn Định, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện U Minh tỏ vẻ cảm thông cho hành động của hơn 60 hộ dân ở xã Khánh Tiến hôm trung tuần tháng 2/2014 tụ tập đòi phá cống ngăn mặn kênh Xáng Mới và kênh Chệt Tửng để lấy nước mặn vào nuôi tôm. Anh Định cho biết nguyện vọng của người dân muốn lấy nước mặn vào nuôi tôm cũng chính đáng, bởi mùa này người dân chẳng biết làm gì kiếm kế sinh nhai, nhưng không thể vì sinh kế của một bộ phận nhỏ mà làm cả một vùng rộng lớn trồng lúa của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời bị mặn hóa ngọt.
Vụ việc này đã được chính quyền huyện U Minh mời bà con đến trụ sở của xã để giải thích, vận động, xong không có kết quả. Bà con nhất quyết muốn lấy nước vào nuôi tôm, chứ không muốn để trống ruộng đồng mấy tháng liền trong khi họ không có việc làm. Hiện các lực lượng liên ngành của huyện U Minh phải túc trực để bảo vệ hai cửa cống kể trên suốt ngày đêm phòng không bị phá hoại.
Đua nhau đưa nước mặn vào vùng ngọt
Không chỉ ở Cà Mau mới có tình trạng người dân đòi đưa nước mặn vào những cánh đồng phải mất cả trăm năm thau chua, rửa mặn để nuôi tôm. Hiện ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng người dân cũng đang thi nhau đào hồ nuôi tôm, biến vùng trồng lúa thành các vuông tôm với mong sớm được đổi đời.
Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Năng suất nuôi tôm công nghiệp thường vào khoảng 4,5 tấn/ha bởi điều kiện nuôi thuận lợi, dịch bệnh giảm đáng kể, do vậy tình hình nuôi tôm năm nay phát triển rất nhanh. Mặt khác, giá tôm thương phẩm ở mức cao đã khiến nhiều người dân đầu tư xây dựng mới và cải tạo lại ao hồ để tái đầu tư”.
Theo số liệu quy hoạch diện tích nuôi tôm của tỉnh Trà Vinh đến hết năm 2013 sẽ là 20.000 ha, nhưng đến nay diện tích thực nuôi toàn tỉnh đã là 47.000 ha. Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn đến thời điểm này đã mở rộng trên 41.700 ha, vẫn dưới mức dự báo của tỉnh là 52.000 ha, nhưng nó lại phát triển mạnh ở vùng ngọt hóa. Tỉnh Trà Vinh hiện có tổng diện tích nuôi tôm là 2.238 ha, tăng gấp 3 lần cách nay 1 năm.
Ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Theo quy hoạch, diện tích tôm thẻ chân trắng đến 2015 là 3.100 ha, năm 2020 đạt 5.500 ha. Tuy nhiên, hiện nay diện tích nuôi đạt ngưỡng năm 2015. Diện tích nuôi tăng nhanh hơn quy hoạch là giá cả thị trường tốt hơn tôm sú, có nhiều loại nên người tiêu dùng chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, do đặc tính thích nghi với ngưỡng mặn rộng, cùng với tôm sú, tôm chân trắng được nhiều hộ dân đưa vào nuôi trong vùng được quy hoạch ngọt hóa bất chấp quy định nghiêm cấm của địa phương. Hiện nay, tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có khoảng 200 ha nuôi tôm trong vùng ngọt hóa tại các xã như: Thạnh Hòa Sơn, Mỹ Hòa, Thuận Hòa.
Tại tỉnh Bến Tre, trước tình hình con tôm trúng mùa, được giá, người dân ở các huyện, chủ yếu như Bình Đại lại rộ lên việc chặt bỏ hoa màu, dừa để đào ao nuôi tôm nước lợ đe dọa 8,3 km tuyến đê bao ngọt hóa ven sông Tiền, dẫn đến hàng ngàn hécta dừa và hoa màu bị thiệt hại. Để có đủ độ mặn nuôi tôm, các hộ dân còn lén lút khoan giếng lấy nước mặn. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại, toàn bộ khu vực ngọt hóa có đến hơn 800 giếng nước mặn khoan trái phép. Việc này khiến cho vùng ngọt triệt để bị xâm mặn, nỗ lực ngăn mặn, trữ ngọt của tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 ha nuôi tôm nước lợ ngoài quy hoạch, chủ yếu tập trung tại các xã Thạnh Trị, Phú Long, Thới Lai, Lộc Thuận, Phú Vang của huyện Bình Đại.