ThienNhien.Net – Nhiều cổ thụ bị đốn hạ ngổn ngang, những bãi gỗ tập kết ngay vệ đường… nhưng lực lượng bảo vệ rừng không xử lý
Sáng 25-3, chúng tôi tới tiểu khu 1307, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) và một phần của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.
Xe chở gỗ lậu dễ dàng qua trạm
Từ trung tâm xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô vào tiểu khu 1307 khoảng 20 km, trong đó gần nửa là đường rừng. Đây là con đường duy nhất mà các loại xe cơ giới có thể vào được tiểu khu 1307. Trục đường này bố trí 3 trạm kiểm soát bảo vệ rừng: Trạm quản lý bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, trạm kiểm soát quân sự và trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức.
Khoảng 11 giờ, 2 xe máy và 2 xe độ chế ì ạch chở gỗ lậu từ rừng ra. Chiếc xe độ chế đầu tiên chở 2 tấm phản lớn và vài khúc gỗ vuông vức; xe thứ 2 chở đầy gỗ đã xẻ thành từng lóng còn tươi rói. Vị trí chúng tôi bắt gặp 2 chiếc xe này nằm ở khu vực giáp ranh rừng và khu dân cư, đã qua 2 trạm kiểm soát. Theo quan sát, trạm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có khoảng 3-5 kiểm lâm ngồi chơi, trạm ở giữa không có người, trạm trong cùng có khoảng 5 nhân viên bảo vệ rừng tụ tập trò chuyện.
Người dẫn đường cho chúng tôi khẳng định trung bình mỗi ngày có khoảng 10 xe chở hàng chục mét khối gỗ lậu khai thác từ lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức và Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung ra bằng con đường này. Tất cả đều không bị lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng xử lý.
“Biết rồi còn hỏi…”
Khoảng 12 giờ, tại khu vực ngã ba dốc “Mẹ ơi”, một nhóm 3 người đang hì hục cưa một cây gỗ đường kính khoảng 50 cm. Tiếng cưa máy rền vang khu rừng, chỉ cách trạm kiểm lâm của Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức khoảng 1 km. Thấy chúng tôi, 2 người trong nhóm nhanh chóng mang cưa đi cất, chỉ để một người ở lại. Trong vai người đi khảo sát rừng, chúng tôi hỏi chuyện, anh ta phân trần: “Em làm nhà, thiếu vài miếng gỗ nên mượn xe vào chở vài khúc về. Rừng ở đây người ta phá nát rồi, nếu dân làm gỗ chuyên nghiệp thì phải qua bên rừng của khu bảo tồn…”.
Thấy 2 bãi gỗ gần chục mét khối đã cắt xẻ thành từng lóng lâu ngày, chúng tôi dò hỏi. Anh ta cho biết: “Gỗ này của ông Trung. Cách đây mấy ngày, ông ta chở về thì xe lật. Ông ta và mấy người nữa thoát chết nên để gỗ lại rồi mua lễ vật vào cúng, chắc vài bữa nữa mới chở về”. Khi chúng tôi thắc mắc gỗ nằm trên đường nhiều ngày lại gần trạm bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm thường xuyên qua lại nhưng sao không tịch thu, anh ta cười cười: “Các anh biết rồi còn hỏi…”.
Lần theo tiếng cưa máy, chúng tôi tới một điểm khai thác gỗ lậu khác, cách vị trí đầu tiên khoảng 2 km. Khi tới gần, một nhóm 4 người nhanh chóng rời khỏi hiện trường, để lại một cây gỗ đường kính khoảng 40 cm vừa đốn hạ. Xung quanh đó, vô số cổ thụ đã bị lấy đi phần thân, chỉ còn trơ gốc và ngọn.
Chiều cùng ngày, chúng tôi tới trụ sở Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức nhưng lãnh đạo đi vắng. Liên lạc qua điện thoại, ông Lê Xuân Bảo, giám đốc công ty, cho biết đang bận, hẹn hôm khác làm việc.
Xin đào cả gốc đi biếuÔng Hoàng Tiến Mạnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô, cho biết Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức được giao quản lý bảo vệ hơn 7.000 ha rừng tự nhiên, trong đó hơn 2.000 ha là rừng phòng hộ. Đây là điểm nóng của huyện về việc phá rừng trong nhiều năm qua.
“Ngày 20-3, giám đốc công ty có công văn xin khai thác để biếu cả gốc mấy cây nhội tía (loại đang được lâm tặc săn lùng bán sang Trung Quốc với giá rất cao – PV). Sau khi xem xét bảng kê các loại cây, không thấy loại nhội tía nên chúng tôi không chấp thuận. Mới đây, có đơn tố cáo công ty bảo kê cho lâm tặc phá rừng lấy đất nhưng cơ quan chức năng chưa điều tra nên chưa rõ. Riêng việc nhân viên bảo vệ rừng bảo kê cho lâm tặc phá rừng lấy gỗ là có thật” – ông Mạnh nói. |